“Làm gì để trở thành Game Designer”
Nếu các bạn đã truy cập vào thietkegame.com. Chắc hẳn rằng các bạn đã có dành sự quan tâm ít nhiều và có những đam mê nhất định cho công việc Game Design.
Liệu các bạn có từng đặt ra cho mình câu hỏi trên. Rằng bản thân mình cần hội tụ những yếu tố gì và cần phải làm gì để trở thành Game Designer chuyên nghiệp.
Đây chắc hẳn là điều mà rất nhiều bạn trẻ, những bạn sinh viên, những bạn mới vào nghề đang băn khoăn và mong muốn tìm được câu trả lời.
Nội dung bài viết này sẽ chia sẻ một số con đường mà bạn có thể tham khảo trên hành trình trở thành Game Designer. Bao gồm con đường dễ dàng nhất và con đường khó khăn nhất.
1. HỌC ĐẠI HỌC ĐỂ TRỞ THÀNH GAME DESIGNER
Công bằng mà nói, nếu muốn trở thành chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào. Việc được đào tạo bài bản là một trong những lựa chọn bạn nên cân nhắc hàng đầu.
Thế nên, nếu có điều kiện, bạn nên chọn theo học tại các trường Đại học chính quy. Có thể là ở Mỹ, châu Âu hoặc gần nhất là Singapore. Đối với các bạn còn phân vân xem mình có nên học Đại học hay không. Hãy tham khảo BÀI VIẾT NÀY
a. Ưu điểm
Con đường theo đuổi nghề Game Design tại môi trường đại học có những ưu điểm mà bạn không thể phủ nhận. Bạn sẽ được đào tạo rất bài bản và có căn cơ.
Từ những kiến thức nền tảng, những khái niệm cơ bản cho đến những vấn đề nâng cao. Ngoài ra, bạn sẽ còn được học thêm những kỹ năng phụ trợ rất mạnh mẽ để bổ sung thêm cho công việc của mình sau này (lập trình, đồ họa,…). Hay hơn thế nữa, giúp bạn dễ dàng hơn trong việc thăng tiến lên các cấp bậc quản lí nếu có cơ hội.
Bạn đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy một người tốt nghiệp từ các chương trình này có thể thực hiện khá tốt hầu hết những vai trò chính trong một đội ngũ sản xuất game. Điều này là hoàn toàn bình thường!
Dĩ nhiên, có một điều bạn cần hết sức chú ý. Việc học các kỹ năng bổ trợ không phải để bạn “dẫm chân” lên các vị trí khác trong đội ngũ của mình.
Việc có được kiến thức của các chuyên ngành khác khiến bạn có thể thấu hiểu được đồng đội của mình hơn. Qua đó giúp các bạn có thể dễ dàng làm việc với nhau như là một đội. Vì game thông thường sẽ là sản phẩm của một tập thể. Đương nhiên, trên thế giới vẫn có những tựa game tốt được sản xuất với chỉ một người. Thế nhưng, đó chỉ là thiểu số và đằng sau là cả một quá trình hi sinh và tích lũy kinh nghiệm.
b. Nhược điểm
Dĩ nhiên, con đường chính thống vẫn là con đường vững chắc và bài bản nhất. Nhưng không phải là không có nhược điểm.
Chi phí để có thể theo học các chương trình đại học ở nước ngoài (Mỹ, châu Âu, …) là khá cao. Chưa kể, bạn thông thường sẽ khó tiếp cận những thông tin về các chương trình đào tạo này nếu không chủ động tìm kiếm.
Ngoài ra, ngoại ngữ cũng là một rào cản nhất định nếu bạn không có một nền tảng cơ bản. Hầu hết các chương trình lớn đều sẽ dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nếu không có sự đầu tư về ngoại ngữ, rất khó để bạn có thể nắm vững được lượng kiến thức lớn mà các trường Đại Học đào tạo. Chưa kể đến việc phải thường xuyên làm bài tập, làm việc nhóm cùng bạn bè từ khắp nơi trên thế giới,…
Không may, ở thời điểm bài viết này ra đời. Tại Việt Nam chưa có bất cứ một trường Đại học nào đào tạo Game Design như một ngành tiêu chuẩn. Thế nên, con đường trở thành Game Designer chuyên nghiệp tại Việt Nam đã khó lại càng thêm gian nan hơn.
Tuy nhiên, nếu chưa có điều kiện đi du học ở nước ngoài. Tại Việt Nam, nếu muốn theo nghề Game Designer, bạn cũng có thể theo học những chuyên ngành có liên quan mật thiết đến nghề. Điều này cũng sẽ giúp bạn bắt nhịp rất nhanh chóng khi trở thành Game Designer thực thụ.
Chuyên ngành đó có thể là Công nghệ thông tin, Kinh tế, Tâm lý, Mỹ thuật, Ngôn ngữ,…
Nếu có điều kiện học Đại Học, bạn đã may mắn hơn rất nhiều người. Hãy cố gắng tận dụng điều này hết mức có thể để củng cố sự nghiệp của mình.
2. TRỞ THÀNH GAME DESIGNER TỪ CON SỐ 0
Đối với những bạn kém may mắn hơn và không có điều kiện theo học tiếp (Đại học, Cao đẳng,…) sau khi tốt nghiệp phổ thông. Vẫn có những cách để bạn có thể trở thành một Game Designer chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, con đường sẽ chông gai hơn rất nhiều.
Và trở thành một Game Tester (QA) là con đường bạn có thể cân nhắc. Bạn sẽ cần trải qua các bước sau:
- Trở thành Game Tester
- Tìm hiểu quy trình dự án
- Tìm hiểu vị trí mong muốn
- Giao tiếp và học hỏi
- Thử sức khi có cơ hội
a. Trở thành Game Tester
Để trở thành một Game Designer, hiển nhiên, bước đầu tiên là bạn cần đặt chân vào ngành Game. Trong đó, Game Tester là một giải pháp tốt cho những bạn không có quá nhiều lựa chọn.
Vị trí QA sẽ không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng hay kinh nghiệm ở những cấp bậc đầu tiên. Chủ yếu, đòi hỏi cao nhất của vị trí này là tính chuyên cần, sự tập trung, cẩn thận và thật tỉ mỉ.
Đây là khởi đầu khá ổn để bạn có thể đặt chân vào ngành Game.
b. Tìm hiểu quy trình dự án
Khi đã trở thành Game Tester, bạn đã chính thức trở thành một thành viên của đội ngũ làm game.
Để có thể cho ra đời một sản phẩm game, có những cột mốc trong quy trình làm việc cần được tuân thủ. Tuy nhiên, tại mỗi studio quá trình thực hiện những cột mốc đó có thể thêm, bớt, tuỳ biến để trở nên phù hợp với văn hoá, nguyên tắc làm việc và cả năng lực của đội ngũ của bạn.
Hãy cống hiến hết sức mình vì lợi ích chung. Cùng với đó là tìm hiểu quy trình làm việc, các dự án, các sở trường, thế mạnh, các dòng game mà đội ngũ của bạn đang theo đuổi.
Qua đó, tự trang bị cho mình những kiến thức nhất định về những gì bạn đã tìm hiểu.
c. Tìm hiểu vị trí mong muốn
Sau khi đã tìm hiểu kĩ càng quy trình sản xuất. Bạn cần cân nhắc xem mình có thể phù hợp với vị trí nào. Một team Game Design có thể có rất nhiều vị trí với những đặc thù chuyên môn khác nhau. Mỗi vị trí sẽ phụ trách những công việc khác nhau trong từng giai đoạn sản xuất.
[Tìm hiểu thêm]. Các vị trí phổ biến trong một team Game Design
Ở mỗi vai trò này sẽ đòi hỏi bạn có những bộ kỹ năng và trách nhiệm công việc nhất định.
d. Giao tiếp và học hỏi
Sau khi đã xác định và tìm hiểu được vị trí mong muốn. Bạn sẽ cần giao tiếp và học hỏi với những người đang làm việc tại vị trí đó.
Trong một chừng mực nào đó, bạn có thể “xin” họ cho bạn được trợ giúp một vài công việc nhỏ để quen dần với cách làm việc của một Game Designer. Đây cũng có thể là cách giúp bạn học hỏi thêm và trau dồi kinh nghiệm.
e. Thử sức khi có cơ hội
Bước cuối cùng, khi đội ngũ thiếu một vị trí Game Designer. Hoặc vị trí đó đã có người phụ trách nhưng cần thêm sự hỗ trợ. Bạn hãy mạnh dạn xin được thử sức!
Bạn có thể trực tiếp trình bày điều này với lãnh đạo, người quản lí trực tiếp của bạn hoặc bất cứ ai có trách nhiệm khác để tận dụng triệt để cơ hội của mình.
Có thể, trong giai đoạn ban đầu, bạn sẽ chưa được chuyển hẳn qua công việc mới. Bạn sẽ phải làm song song cả hai công việc của Game Tester và Game Designer một thời gian để chứng minh rằng bạn có năng lực. Hãy nỗ lực hết sức mình!
Khi kết quả công việc của bạn đã được chứng minh, rằng bạn có đủ năng lực có thể trở thành Game Designer. Bạn có thể đề xuất để chuyển hẳn sang công việc mới.
Các bạn thấy đấy, tuy con đường này có xa hơn bình thường. Thế nhưng, nếu bạn có cố gắng, quả ngọt vẫn sẽ đến với bạn một cách xứng đáng.
LỜI KẾT
Để trở thành Game Designer vẫn còn rất nhiều cách. Trong khuôn khổ bài viết này, các bạn có thể tham khảo hai cách trên. Một cách là thuận lợi nhất theo quan điểm của mình, cách còn lại tuy có gian nan hơn nhưng vẫn sẽ mang lại kết quả xứng đáng cho những ai chịu đầu tư thời gian và công sức.
Mình sẽ chia sẻ thêm những cách khác trong những bài viết sau. Game Designer là một nghề rất thú vị cho các bạn có đủ đam mê và nhiệt huyết. Nếu có những bước chuẩn bị ban đầu đúng đắn, con đường sự nghiệp của các bạn sẽ trở nên vững chắc hơn rất nhiều.
Hãy chia sẻ suy nghĩ và mong muốn của các bạn ở phần bình luận bên dưới nhé!