Đọc thử sách Chuyện Thiết kế Game

ĐỌC THỬ SÁCH CHUYỆN THIẾT KẾ GAME

Sách “Chuyện Thiết kế Game” là một phần quan trọng trong chương trình Level Up.
Đây là chương trình ưu đãi nhằm cung cấp các kiến thức chuyên sâu và nâng cao hơn về Thiết kế Game và các lĩnh vực liên quan.

Ưu đãi bao gồm:

  • Sách “Chuyện Thiết kế Game” do chính tay mình viết.
  • Quyền truy cập vào các Tài liệu, các Case study & Nội dung nâng cao của website Thietkegame.com.
  • Kênh thông tin liên lạc Telegram Channel.
  • Đặc cách trở thành Thiết kế Game Membership bao gồm các ưu đãi vĩnh viễn ở các chương trình sau.

Để đảm bảo cho các bạn có được những trải nghiệm tốt nhất, mình sẽ ra mắt bản đọc thử của Chuyện Thiết kế Game ngay bên dưới đây.

CHUYỆN THIẾT KẾ GAME - BẢN ĐỌC THỬ

Please wait while flipbook is loading. For more related info, FAQs and issues please refer to dFlip 3D Flipbook WordPress Help documentation.

Sau khi đã trải nghiệm ở định dạng sách, bạn có thể tham khảo phần đọc thử của Chuyện Thiết kế Game ở định dạng bài viết bên dưới đây

Bạn có thể trải nghiệm thêm định dạng sách 3D trên Tablet và máy tính. Điện thoại di động chỉ hiển thị bản đọc thử dưới định dạng văn bản.

Nếu đã tìm hiểu ở mức tương đối, bạn có thể sẽ biết rằng một đội ngũ sản xuất game thông thường sẽ có các vị trí chính như sau

  • Thiết kế Game
  • Lập trình
  • Đồ họa
  • Âm thanh

Đối với các công ty nhỏ và vừa, vị trí âm thanh sẽ được thuê từ các nguồn outsource bên ngoài hoặc tận dụng các nguồn tài nguyên miễn phí. Nếu có chuyên môn thuộc nhánh lập trình hoặc đồ họa, bạn sẽ khá dễ tìm được một công việc phù hợp với khả năng của bản thân với thu nhập ổn định.

Thế nhưng, đối với vị trí Thiết kế Game, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Việc bạn tìm được một công việc như ý khi hoàn toàn chưa có kinh nghiệm gặp khá nhiều khó khăn. Bởi đặc thù công việc và tính chất đào thải cao của vị trí này.

Nhưng đừng lo lắng! Mình sẽ cho bạn một vài lời khuyên, nếu làm tốt, bạn có thể biến mình trở thành một ứng viên sáng giá ngay cả khi chưa có nhiều kinh nghiệm.

1. TẠI SAO VỊ TRÍ THIẾT KẾ GAME LẠI KÉN NGƯỜI?

Không tính những trường hợp có đam mê với vị trí Thiết kế Game, có sự đầu tư bài bản và có kế hoạch từ đầu. Lý do thường thấy ở những người mới và đang có ý định tìm một công việc ở vị trí Thiết kế Game là vì: THẤY NÓ DỄ.

Thực vậy, đã từng có rất nhiều bạn đã từng nhắn tin đến mình và trình bày các lí do đại loại như là: “Em học lập trình cảm thấy khó hiểu, nên muốn tìm kiếm cơ hội mới ở vị trí Thiết kế Game” hoặc “Em đang theo ngành đồ họa nhưng không thấy có hứng thú nên nhờ anh tư vấn kinh nghiệm để chuyển sang nghề Thiết kế Game”.

Thậm chí, mình từng gặp một số cá nhân đã có kinh nghiệm làm việc ở các vị trí khác (Marketing, Vận hành Game, Tuyển dụng …) cũng đánh giá nghề Thiết kế Game là dễ bởi:

Chỉ cần có ý tưởng là được!

Chính vì những quan niệm đó nên ai trong số họ cũng có suy nghĩ rằng mình có thể trở thành một Game Designer.

Và chính vì: “Ai cũng nghĩ mình có thể làm được!”, thế nên Thiết kế Game trở thành một vị trí cực kì cạnh tranh. Một quy luật xác suất rất đơn giản!

2. THIẾT KẾ GAME LÀ GÌ?

Bạn sẽ không bao giờ tìm được một công việc Thiết kế Game cho tới khi bạn thực sự hiểu bạn sẽ phải làm gì. Và nếu có ai hỏi bạn:

Công việc của một Game Designer là gì? 

Đừng bao giờ đưa ra câu trả lời kiểu như:

Là ra ý tưởng cho game!

Đây là điều đầu tiên bạn cần nhớ, bởi sẽ rất nguy hiểm cho công cuộc tìm việc của bạn nếu người nghe được câu trả lời này từ bạn là một người phỏng vấn có kinh nghiệm.

Ý tưởng đương nhiên thứ không thể thiếu khi làm game. Thế nhưng ý tưởng ngoài kia rất nhiều và như mình vẫn thường nói:

Đa số các ý tưởng là vô giá trị nếu không có khả năng thực thi.

Hiểu rộng ra, công việc chính của người Thiết kế Game chính là đưa ra các bản thiết kế cho game để tạo thành một hệ thống Game Design Document (mô tả chức năng, hệ thống chỉ số, …).

Bạn sẽ không phải đối đầu với những dòng code khô khan như người lập trình. Bạn cũng sẽ không cần phải có năng khiếu hội họa và óc thẩm mĩ như các họa sĩ. Nhưng mình có thể đảm bảo rằng, nghề Thiết kế Game có những thử thách công việc “khó nhằn” giống như bất kì vị trí nào khác. Và sẽ không có chuyện “dễ” ở đây.

Nếu bạn cần một phép so sánh, có thể xem người Thiết kế Game tương đương với vị trí kiến trúc sư của một tòa nhà. Có thể bạn không phải là người trực tiếp trộn vữa để xây nhà, cũng không phải người lắp đặt hệ thống điện nước, lắp dàn giáo hay đu đưa trên cao để sơn tường, quét vôi.

Công việc của bạn là đưa ra bản thiết kế cho toàn bộ hệ thống của tòa nhà (quy hoạch không gian, ước lượng sức bền vật liệu, phối cảnh nội thất,…).

Bạn có nghĩ công việc của một Kiến Trúc Sư là dễ dàng không?

Một điều nữa mà bạn cần lưu ý, khi làm việc trong môi trường sản xuất game, không phải bất cứ bản thiết kế nào bạn đưa ra đều được chấp nhận. Bạn cần chuẩn bị kiến thức, lên kế hoạch dự trù các rủi ro, ước lượng tính khả thi. Để sẵn sàng đón nhận những câu hỏi, phản biện từ đội ngũ thực hiện bản thiết kế của bạn.

Nếu bạn đã hiểu công việc của một người Thiết kế Game, đây là các bước bạn cần chuẩn bị về tinh thần để tìm được một công việc khi chưa có kinh nghiệm

3. XIN THỰC TẬP ĐỂ CÓ KINH NGHIỆM

Nếu bạn chưa có kinh nghiệm, thì cách tốt nhất để tìm việc là làm cho mình trở thành người có kinh nghiệm. Trong đó, việc xin thực tập là phương án tốt nhất.

Ở một số công ty lớn, các đợt thực tập mở ra ở cả kì nghỉ hè và thời gian trong năm học (sẽ hữu ích cho các bạn đang là sinh viên). Hầu hết các công ty không yêu cầu quá khắt khe về việc số giờ bạn cần có mặt trên công ty như một nhân viên Fulltime, nên bạn có thể linh động tự cân bằng giờ giấc cho hiệu quả.

4. TỰ TẠO KINH NGHIỆM CHO MÌNH

Nếu vì lí do nào đó (bạn đang cần tiền chẳng hạn), bạn muốn bỏ qua giai đoạn thực tập và mong muốn tìm ngay một công việc ở vị trí Junior. Vẫn sẽ có những cách mà bạn có thể áp dụng, nhưng lúc này, những khó khăn bạn gặp sẽ nhiều hơn.

a. Tập viết Game Design Document

Như mình đã nói từ đầu, công việc của một nhà Thiết kế Game xoay quanh việc viết Game Design Document khá nhiều. Thế nên, đây chính là khả năng đầu tiên bạn cần thể hiện được cho nhà tuyển dụng thấy.

Hãy tải về một game mà bạn thích, chơi thật kĩ, và sau đó viết lại Design Document cho nó. Bạn nên khôn ngoan trong việc lựa chọn, hãy chọn những tựa game không quá phức tạp (thể loại Giải Đố, Runner hoặc Tower Defense,…) để có thể cho ra đời một bản thiết kế hoàn chỉnh nhất có thể.

Thế nào là hoàn chỉnh?

Hãy hình dung đến việc bạn đưa bản thiết kế cho một lập trình viên (giả sử như đã có sẵn tài nguyên đồ họa) chưa hề chơi game này. Mức độ hoàn chỉnh sẽ được đo bằng độ hoàn thiện của tựa game được làm ra từ chính bản Design Document của bạn.

Đây là một cách khá tốt để bạn tự rèn luyện và cũng là tự tạo kinh nghiệm cho mình. Khi bộ phận tuyển dụng sàng lọc các hồ sơ với sự tham vấn của trưởng bộ phận Thiết kế Game (Lead Game Designer), hồ sơ của bạn sẽ trở nên khá nổi bật trong mắt họ (so với các ứng viên cũng là người mới khác) nếu có đính kèm một vài bản thiết kế như vậy.

b. Thử làm một game của riêng mình

Khi cạnh tranh với những người chưa có kinh nghiệm, nếu có sẵn sản phẩm demo, bạn sẽ có được một lợi thế không hề nhỏ.

Nhưng làm thế nào để làm một game cho riêng mình khi không có khả năng lập trình hay đồ họa?

Có khá nhiều cách để có được một game cho riêng mình. Bạn có thể tận dụng các thư viện có sẵn, các Map Editor của các game lớn hoặc một Game Engine đơn giản (Game Maker chẳng hạn) để làm được điều này.

Lập trình và đồ họa không phải là công việc chính của một nhà Thiết kế Game. Thế nên, sản phẩm của bạn chỉ cần mang dấu ấn của một Game Designer, nhà tuyển dụng có thể không cần quan tâm bạn dùng công cụ gì hoặc vay mượn đồ họa từ đâu.

Độ can thiệp vào các Game Engine nhiều hay ít để tạo dấu ấn riêng tùy thuộc vào khả năng học hỏi của bạn. Bạn có thể trình bày bất cứ khả năng nào mà bạn cảm thấy mình làm tốt nhất: Sáng tạo gameplay mới, cân bằng, thiết kế màn chơi…

Một số tựa game huyền thoại của thế giới đã ra đời theo cách này. Có thể kể đến như DotA, Counter Strike,… . Nếu bạn có đam mê, hãy thể hiện mình, biết đâu một ngày nào đó, tên bạn cũng sẽ được khắc trên bức tường trong ngôi đền của những huyền thoại ngành game.

c. Săn giải từ những cuộc thi

Đây gần như là con đường khó nhất và cũng là con đường tốt nhất. Đây là con đường mình đã đi khi chập chững những bước đầu tiên của sự nghiệp Thiết kế Game.

Nếu thường xuyên chú ý theo dõi những thông tin trong làng game. Chắc hẳn bạn đã nghe đến những cuộc thi như Game Jam, Hackathon,… . Các cuộc thi này do các công ty, đơn vị lớn đứng ra tổ chức. Mục đích để tạo sân chơi cho những người đam mê làm game nói riêng và công nghệ nói chung.

Thông thường các cuộc thi sẽ diễn ra trong thời gian không quá dài (khoảng 48-72 giờ). Các cuộc thi này rất phổ biến tại nước ngoài, nhưng khi về đến Việt Nam thì cũng có đôi chút khác biệt.

Ở nước ngoài, nếu bạn không có nhóm thì vẫn có thể đăng ký. Đến ngày thi, bạn có thể lập nhóm với những người thi đơn lẻ như mình. Sở dĩ họ làm được điều này vì đã được rèn luyện khả năng làm việc nhóm khá tốt từ nền giáo dục sở tại.

Ở Việt Nam, việc bắt cặp nhóm ngẫu nhiên không quá phổ biến. Nếu chỉ có một mình, người tham gia sẽ ưu tiên solo hơn là lập nhóm với những người xa lạ. Nếu bạn chỉ có khả năng Thiết kế Game, bạn cần tìm được đồng đội để đảm nhiệm các phần còn lại của một team (lập trình và đồ họa).

Đề thi sẽ không quá khó nhưng cũng không quá dễ. Chỉ cần đánh đúng tâm lí của ban giám khảo và chứng minh được tính khả thi của game, kèm theo đó là một bản chơi thử ổn định. Bạn hoàn toàn có khả năng đạt giải cao.

Chỉ cần thắng ít nhất một giải như vậy, hồ sơ của bạn sẽ trở nên sáng sủa và đắt giá hơn rất nhiều. Thời sinh viên, mình tham gia khá nhiều cuộc thi ở trong và ngoài nước. Mình cũng may mắn đạt được những chức vô địch và nhiều giải thưởng phụ khác.

Nhờ vậy, mình nhận được khá nhiều lời mời làm việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đương nhiên, tiền thưởng mình có được từ các cuộc thi này cũng không hề ít. Nếu bạn đã có sẵn một nhóm bạn đam mê làm game, hãy thử trải nghiệm cảm giác tham gia một cuộc thi Hackathon, thực sự sẽ rất thú vị đấy!

LỜI KẾT

Nếu thực hiện tốt các lời khuyên trên, mình tin rằng bạn sẽ giải quyết được bài toán tìm việc khi chưa có kinh nghiệm. Và xa hơn thế nữa là có những bước chạy đà vững chắc khi bắt đầu sự nghiệp Thiết kế Game của mình.

Nếu cảm thấy bài viết có ích, hãy giúp mình chia sẻ nhé:

Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments