LỜI NÓI ĐẦU
Việc trả lời cho câu hỏi “Game Mechanic là gì ?” sẽ là nội dung tiếp theo trong loạt bài viết hướng dẫn Thiết kế Game cơ bản dành cho người mới. Nhằm mục đích giúp cho các bạn có thể viết được một Game Design Document hoàn chỉnh.
[Tìm hiểu thêm]. Hướng dẫn viết Game Design Document
Để làm được điều này, chúng ta sẽ cần làm rõ các khái niệm có liên quan mật thiết với nhau.
- Game Mechanic
- Game Elements
- Gameplay
1. Game Mechanic là gì ?
Game Mechanic là các phương thức kết hợp các yếu tố trong game (Game Element) để định nghĩa và bổ trợ cho Gameplay. Game Mechanic xác định trò chơi sẽ diễn ra như thế nào.
Một trong những công việc chủ yếu của người Thiết kế Game là đưa ra các Game Mechanics đủ hấp dẫn. Để cung cấp cho người chơi những trải nghiệm giải trí đáng giá.
2. Ví dụ về Game Mechanic
Để hiểu rõ Game Mechanic là gì, chúng ta cùng nhìn vào một ví dụ đơn giản ở tựa game huyền thoại: Tetris – hay được gọi với cái tên phổ biến ở Việt Nam là “Xếp hình” hoặc “Xếp gạch”.
Đây là một trong những game giải đố phổ biến và có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Tetris hầu như luôn được chọn là một trong những case-study dành cho người mới.
Tetris có các Game Mechanic chính như sau:
Cơ chế điều khiển
- Người chơi có thể điều khiển các mảnh ghép qua trái, phải hoặc xuống dưới. Các mảnh ghép có thể xoay tại chỗ và không thể di chuyển tiếp khi chạm vào các đường biên hoặc một mảnh ghép khác.
Cơ chế sinh mảnh ghép
- Các mảnh ghép được sinh ra ngẫu nhiên hoặc theo một trình tự nào đó. Chúng rơi từ trên xuống dưới với tốc độ tăng dần theo một quy tắc thời gian.
Cơ chế tính điểm
- Bạn dành được điểm khi một hàng được lấp đầy và biến mất. Có thể dành được thêm điểm thưởng khi làm biến mất nhiều hàng cùng một lúc.
Cơ chế thắng thua
- Trò chơi kết thúc khi các mảnh ghép không còn chỗ để rơi xuống nữa.
3. Game Element và Game Mechanic
Game Element là gì?
Game Element có thể hiểu một cách đơn giản là các thành phần tạo nên game của bạn.
Trong game, các Game Element chính có thể kể đến như: nhân vật, trang bị, các yếu tố môi trường,…
Mối liên hệ giữa Game Element và Game Mechanic
Một Game Element có thể được tác động bởi nhiều Game Mechanic khác nhau. Giống như việc cùng một loại nguyên liệu, người đầu bếp có thể chế biến nhiều món ăn khác nhau (bò xào, bò hầm,…).
VD: Ở Tetris, mảnh ghép chữ L được tác động bởi các cơ chế điều khiển, cơ chế sinh mảnh ghép.
Tương tự thế, một Game Mechanic có thể tác động lên nhiều Game Element. Giống như việc cùng một cách chế biến, đầu bếp có thể sử dụng trên nhiều nguyên liệu giống nhau (rau xào, thịt xào, mì xào,…).
VD: Ở Tetris, cơ chế điều khiển được áp dụng lên tất cả các đối tượng mảnh ghép.
Tư duy trong thiết kế Game Mechanic và Game Element
Tùy thuộc vào đặc trưng của game và yêu cầu ban đầu của dự án, mà người Thiết kế Game sẽ lựa chọn xây dựng Game Mechanic trước hay Game Element trước.
Nếu công ty bạn đang cần một dự án game Match-3. Bạn sẽ cần xây dựng một hệ thống Game Mechanic xoay quanh gameplay Match-3. Sau đó mới xây dựng các Game Element phù hợp (kẹo, bánh,…).
Nếu bạn đang cần một game có khả năng tấn công mạnh vào thị trường Ả Rập, điều đầu tiên bạn cần làm là suy nghĩ về các Game Element phù hợp với thị trường này (trang phục nhân vật, các vật phẩm, công trình đặc trưng, …). Kế tiếp mới chọn các Game Mechanic phù hợp với các đối tượng nêu trên.
Đương nhiên, những thứ mình nêu ở trên chỉ là thứ tự ưu tiên cho việc tư duy. Trên thực tế, bản Game Design Document, thậm chí là Game Pitch của bạn cần có đầy đủ các yếu tố trên trước khi trình bày cho bất cứ ai.
4. Phân biệt Game Mechanic và Gameplay
Khá nhiều người lầm tưởng rằng: “Game Mechanic và Gameplay là một !”.
Điều này không sai với các dự án có quy mô nhỏ, nhưng ở khối lượng lớn hơn, cách hiểu này có khá nhiều thiếu sót.
Gameplay có thể được định nghĩa như sau: “Gameplay là cơ chế chính để người chơi tương tác với game và cùng với đó là cơ chế chính để game hồi đáp ngược lại với người chơi”.
Khi nói về thể loại game nhập vai FPS (bắn súng góc nhìn thứ nhất), ta có thể hình dung Gameplay cơ bản là một anh chàng cầm súng đi bắn giết và cố gắng làm sao để mình không chết.
Nhưng khi vào chơi game, anh ta còn hàng tá những chuyện khác để làm xoay quanh việc bắn súng như (giải cứu con tin, mua sắm, đi tới những thành phố mới…).
Rõ ràng, khái niệm Gameplay không thể bao hàm đầy đủ những cơ chế có mặt trong một tựa game. Nhưng Game Mechanic làm được điều đó, và ta có thể nói rằng : “Gameplay chính là một phần và là phần quan trọng nhất của Game Mechanic”. Hay có thể gọi Gameplay là Core Mechanic.
LỜI KẾT
Với các chia sẻ về các định nghĩa nêu trên, mình đã chuẩn bị cho các bạn một bộ hành trang cơ bản để viết một Game Design Document hoàn chỉnh.
Đồng thời, khi nắm rõ được các khái niệm này. Tùy vào khả năng, bạn có thể tiến hành phân tích và viết lại Game Design Document cho các tựa game đã có sẵn.
Hẹn gặp lại các bạn ở các bài viết sau. Nếu có câu hỏi gì thắc mắc, mình sẽ giải đáp ở phần bình luận bên dưới nhé!
Hello Christian Nguyen và các bạn, Mình cũng là 1 Game Design lâu năm (hơn 10 năm trong nghề GD), mình thấy trang Web thiẹtkegame.com rất hữu ích cho các bạn muốn tìm hiểu về nghề Game Design để có thể chia sẻ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Nhân tiện đọc qua bài này về Game Mechanic nên mình cũng xin chia sẻ 1 chút về… Đọc thêm »
Đọc xong vẫn không hiểu được! GM và GE là gì ?