Hướng dẫn tạo động lực làm việc cho bản thân

Cẩm nang tự tạo động lực làm việc cho bản thân

ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH LEVEL UP CÙNG THIẾT KẾ GAME
Nội dung chính
    Add a header to begin generating the table of contents

    Động lực làm việc là thứ có thể cung cấp cho bạn lực đẩy cần thiết để hoàn thành mục tiêu của mình. Nhưng những lúc bạn thực sự cần nó thì “tự nhiên” nó đi đâu mất.

    Trong thời gian qua, một trong những câu hỏi thú vị nhất mà mình nhận được là:

    Bạn lấy đâu ra năng lượng và động lực để hoàn tất khối lượng công việc lớn như vậy?

    Nghề Thiết kế Game cũng như bất cứ ngành nghề nào khác, luôn luôn tồn tại những áp lực vô hình và hữu hình. Đôi lúc một chút áp lực có thể có ích cho bạn. Nhưng khi chúng sẽ đè bẹp bạn nếu trở thành giọt nước tràn ly.

    Đã bao giờ bạn trải qua cảm giác chán nản trong khi công việc còn đang dang dở. Phải mất một thời gian mới trở lại trạng thái bình thường.

    Ở những trường hợp chán nản do “mất cảm hứng đột xuất“. Bạn bè, gia đình, đồng nghiệp sẽ là người có thể giúp bạn cân bằng cuộc sống. Thế nhưng, nếu căn bệnh chán nản trở nên mãn tính. Bạn nên học cách tự tạo động lực và cảm hứng làm việc cho bản thân mình.

    Trong thời đại công nghệ hiện nay, có hai kĩ năng mềm “tối thượng” mà bạn cần sở hữu nếu muốn đạt được thành công:

    • Kĩ năng tự học
    • Kĩ năng tự tạo động lực

    Nếu như tự học là kĩ năng thiên về cách hành động. Thì tự tạo động lực là kĩ năng thiên về tư duy độc lập của bạn.

    Mình đã có những chia sẻ về Cách tự học TẠI ĐÂY

    Nội dung bài viết này sẽ là mảnh ghép còn lại:

    Làm sao tự tạo động lực làm việc cho bản thân?

    1. XÂY DỰNG Ý THỨC

    a. Tại sao bạn bắt đầu

    Khi ý nghĩ bỏ cuộc vừa xuất hiện trong tâm trí bạn. Hãy nhắc nhở bản thân lí do tại sao bạn bắt đầu nhiệm vụ này. Đôi khi bạn có thể cần một vài động tác “lên dây cót” cho tinh thần của mình.

    Nghe có vẻ hơi “ngớ ngẩn“! Nhưng tất cả những gì bạn cần làm đôi khi chỉ là nói to lên hoặc viết ra và dán ở đâu đó. Hãy tin mình! Khi bạn hoàn thành một nhiệm vụ và nhìn lại những thứ đó. Bạn sẽ thấy nó thực sự hiệu quả!

    Ngoài ra, bạn có thể suy nghĩ về những lợi ích bản thân có được khi hoàn thành công việc.

    Bạn cần chạy bộ để giảm 5kg.

    Bạn cần đạt 6.5 IELTS để đi du học.

    b. Chia nhỏ công việc của bạn

    Khi nhìn những task quan trọng hoặc những kế hoạch dài hạn. Thông thường, bạn sẽ thấy khối lượng công việc phải làm là rất lớn.

    Khi mình chuẩn bị lên kế hoạch xuất bản cuốn sách Chuyện Thiết kế Game. Vì muốn thách thức khả năng giới hạn kĩ năng của bản thân. Mình đã làm một chuyện “khá điên rồ” là giữ vai trò chính trong hầu như tất cả các đầu việc.

    Các bạn biết đấy, đó là một kế hoạch dài hạn và mang một khối lượng công việc khủng khiếp của cả một đội ngũ. Từ những việc liên quan đến nội dung như viết, thiết kế bìa, dàn trang, hiệu đính,… . Những việc liên quan quá trình xuất bản như xin giấy phép, đăng ký bản quyền, tìm giấy in, mực in phù hợp… . Đến xây dựng hệ thống hậu cần, vận chuyển, thanh toán, đóng gói,… .

    Chia nhỏ công việc để làm việc hiệu quả

    Thời điểm bắt đầu, sau vài ngày đầu lên plan, mình bị tụt cảm hứng kinh khủng và gần như mất hoàn toàn động lực làm việc. Thế nhưng, khi nhớ lại lí do tại sao mình bắt đầu. Mình bắt đầu chia nhỏ từng đầu việc ra. Và quy định rằng mỗi ngày mình phải giải quyết bao nhiêu.

    Cứ thế, mỗi ngày bao nhiêu giờ, mỗi tuần bao nhiêu ngày. Và kết quả bạn đã biết, “Chuyện Thiết kế Game” và chương trình Level Up đã hoàn thành theo cách đó.

    Dĩ nhiên, mình không khuyến khích các bạn “một mình chống mafia” như kiểu bên trên nếu chưa đủ khả năng. Cá nhân mình vẫn đánh giá cao sức mạnh của tập thể hơn. Và ở cuốn sách tiếp theo, mình sẽ thực hiện nó theo một phương thức khác.

    Nhưng xét trên phương diện test thử sức chịu đựng của bản thân. Việc chia để trị thực sự là một cách hữu hiệu để hỗ trợ cho bạn trong việc tự tạo động lực làm việc.

    c. Khiến cho công việc trở nên vui vẻ

    Khổng Tử đã từng nói:

    Hãy chọn công việc bạn yêu thích và như vậy bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong cuộc đời mình!

    Mình rất thích câu nói này! Bạn có thể làm tiêu tan mọi suy nghĩ tiêu cực và có được động lực làm việc mạnh mẽ khi chúng khiến bạn vui vẻ.

    Làm cho công việc trở nên vui vẻ

    Thietkegame.com được mình sáng lập và liên tục phát triển đến ngày hôm nay đều xuất phát từ niềm vui của mình khi mang lại kiến thức cho mọi người. Mình vui vì mình biết việc mình làm là có ích cho cộng đồng.

    Nhưng bạn cần hiểu rằng mình nói vậy không phải để bạn chỉ chọn những việc mà bạn cảm thấy vui để làm. Đó không phải là cách tạo động lực làm việc! Đó là cách làm việc tùy hứng vì chuyện gì sẽ xảy ra nếu đang làm giữa chừng bạn không còn vui nữa!

    Mình muốn đề cập đến việc tìm cách làm cho những việc bạn đang làm hằng ngày trở nên vui vẻ theo một phương thức nào đó.

    Nếu bạn đang muốn giảm cân nhưng đã quá chán ghét với việc chạy ở chiếc máy chạy bộ nhàm chán. Hãy đổi không khí bằng cách ra công viên gần nơi bạn ở chẳng hạn.

    Nếu đang học một chuỗi từ vựng Tiếng Pháp. Sẽ thật nhàm chán nếu cứ viết ra và cố gắng nhớ hết chúng. Hãy tìm cách “game hóa” nó bằng cách viết ý nghĩa Tiếng Pháp và Tiếng Việt lên hai mặt giấy, chia thành các nhóm 10 từ. Sau đó tự tạo cho mình những cuộc thi mini xem bạn được bao nhiêu điểm khi trả lời các nhóm 10 từ đó.

    2. XÂY DỰNG TRÁCH NHIỆM

    a. Tạo danh sách công việc

    Trước khi bắt đầu làm bất cứ thứ gì, hãy tạo danh sách những công việc cần làm. Đây là một phương thức tạo động lực làm việc hiệu quả!

    Tạo danh sách công việc

    Bạn hãy để bản danh sách này ở nơi dễ nhìn thấy. Mỗi khi hoàn thành một phần, hãy gạch bỏ nó. Bạn biết không! Khi làm như vậy vô hình chung bạn sẽ cảm nhận được rõ rệt công việc của mình đang có tiến triển.

    Bạn sẽ cần tạo ra động lực cho bản thân mỗi ngày một lớn. Vì càng về cuối, độ khó của các phần việc sẽ càng tăng lên. Điều này sẽ ngày càng tạo ra cho bạn những áp lực. Thế nên, bạn sẽ cần những nguồn cảm hứng mạnh mẽ và duy trì liên tục để không “gục ngã trước cổng thiên đường“.

    • Có một số ứng dụng di động có thể giúp bạn thực hiện tốt công việc này như Apple Reminders, Microsoft To-DoGoogle Tasks. Bạn thậm chí có thể thiết lập lời nhắc nhở để khiến mình tập trung hơn.
    • Hãy cố gắng lên danh sách những công việc vào buổi sáng và cố gắng hoàn thành chúng trong ngày hôm đó. Đừng bắt đầu một ngày mà không biết hôm nay mình nên làm gì. Trừ khi hôm đó bạn muốn nghỉ ngơi.
    • Đối với các mục tiêu lớn và dài hơi hơn. Hãy chia thành các mục tiêu ngắn hạn và vẫn hoàn thành chúng như những gì bạn đã tự cam kết.

    b. Tạo cho mình một thói quen

    Cảm hứng thì có thể đến bất chợt. Nhưng thói quen thì có thể có được từ sự rèn luyện.

    Hãy xây dựng cho mình một thời gian biểu phù hợp với bản thân và tuân thủ nó mỗi ngày. Đây là một trong những cách tự tạo động lực làm việc tốt nhất.

    Vào mỗi buổi tối từ khoảng 8h-11h, mình thường xuyên nghiên cứu và tự học những thứ mà mình thích. Như công nghệ mới, kĩ thuật thiết kế game, đọc sách, chia sẻ kiến thức,… .

    Ở thời điểm hiện tại, thậm chí mình chẳng cần tự tạo động lực cho bản thân làm gì. Vì nó đã trở thành thói quen. Nếu không có hẹn hoặc việc gì đột xuất, nếu đúng giờ mà không ngồi vào bàn sẽ làm mình cảm thấy cực kì khó chịu và bức bối. Như vậy, mỗi ngày mình có ít nhất 3 giờ để nâng cao kiến thức cho bản thân.

    Cách tốt nhất để xây dựng thói quen là thực hiện các hoạt động tương tự nhau vào cùng thời điểm trong một ngày. Hãy tìm ra thời điểm nào bạn làm việc tốt nhất và xây dựng thói quen xung quanh nó.

    Nếu thực hiện được, ngay cả khi đang ở một tâm trạng vô cùng tồi tệ. Bạn vẫn có thể hoàn thành được công việc của mình. Ít nhất là đúng hạn.

    c. Luôn có kế hoạch dự phòng

    Việc gặp phải những sự cố, vấn đề không mong muốn là một trong những thứ khiến bạn dễ mất động lực nhất. Vậy nên, cách khắc phục chúng là luôn có những kế hoạch dự phòng.

    Vào buổi sáng, nếu mình có một cuộc hẹn Video Call để tư vấn kĩ thuật hoặc giao lưu với một công ty nào đó. Ít nhất mình sẽ chuẩn bị một máy tính, một Ipad, 2 tai nghe và một thiết bị phát 4G.

    • Ipad để backup cho máy tính
    • 2 tai nghe backup cho nhau. Trường hợp xấu nhất vẫn có thể sử dụng Micro của Ipad và loa ngoài.
    • Thiết bị phát 4G để backup cho việc mất điện hoặc bất cứ trở ngại đường truyền không mong muốn nào.

    Hãy lập kế hoạch cho những vấn đề phát sinh trước khi chúng xảy ra. Điều này khiến bạn sẵn sàng đề đối phó thay vì để nó cản trở mục tiêu và lấy mất động lực làm việc của bạn.

    3. XÂY DỰNG MỤC TIÊU DÀI HẠN

    a. Xây dựng một mục tiêu rõ ràng

    Xây dựng mục tiêu dài hạn

    Bạn sẽ khó có thể tạo được động lực cho bản thân nếu bạn không xây dựng được một mục tiêu rõ ràng.

    Sau khi tìm được một mục tiêu. Hãy chia chúng thành các cột mốc (milestones) mà bạn cần hoàn thành để đạt được mục tiêu đó.

    Tìm được mục tiêu ví như việc xác định được đích đến trong một chuyến đi. Trong khi các cột mốc giống như các trạm xăng mà bạn sẽ cần ghé qua để nạp nhiên liệu.

    Điều này làm mục tiêu của bạn trở nên dễ quản lí hơn. Và cũng rất có giá trị trong việc bạn xác định từng bước xem đó có phải đúng là thứ bạn mong muốn hay không.

    Để có được động lực làm việc tốt nhất. Đừng dại dột lao vào bất cứ một mục tiêu mà không biết mình cần chuẩn bị những gì.

    b. Đi tìm hình mẫu

    Hãy tìm một người. Tìm một hình mẫu đã hoàn thành mục tiêu bạn đang mong muốn hoặc ít nhất là tương tự. Bạn có thể thử tìm hiểu xem họ đã làm những gì.

    Đương nhiên, mỗi người có một con đường dẫn đến thành công khác nhau. Và không có con đường của ai giống ai cả. Nhưng ở thời điểm bắt đầu, ít nhất bạn cần một kim chỉ nam. Hãy sử dụng câu chuyện của họ để tạo cảm hứng cho chính bản thân mình. Đồng thời cung cấp động lực làm việc mỗi khi bạn gặp khó khăn.

    Có một sự thật mà có lẽ ít khi bạn được chia sẻ. Tuy con đường thành công của mỗi người là khác nhau. Nhưng con đường thất bại trong nhiều trường hợp thì cực kì giống nhau. Và càng giống hơn nữa ở thời điểm bắt đầu.

    Có được trải nghiệm của người đi trước sẽ khiến bạn vững chân hơn và tránh mắc phải những sai lầm cơ bản.

    c. Hình dung đến kết quả cuối cùng

    Trong vài phút mỗi ngày, hãy ngồi xuống, nhắm mắt và tưởng tượng đến kết quả cuối cùng bạn sẽ đạt được.

    Hãy nếm thử trước bản demo của thành công sử dụng năng lượng đó để tiếp tục làm việc.

    Đôi khi việc thú vị nhất khi bạn hoàn thành một điều gì đó không phải là tận hưởng thành quả. Mà là ngẫm nghĩ lại những thứ mình đã trải qua trên con đường chinh phục mục tiêu.

    Và càng tuyệt vời hơn khi bạn học được khả năng trải nghiệm trước và dùng nó để làm bàn đạp cho thứ bạn đang chinh phục.

    LỜI KẾT

    Trên đây là những bí kíp mình đã sử dụng để tạo động lực làm việc và truyền cảm hứng cho bản thân.

    Sẽ là không nói quá nếu mình nhận định rằng điều này đã giúp mình rất nhiều trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Ngoài ra, nó giúp mình tối ưu được thời gian tốt hơn để có thể tự do làm việc và nghiên cứu thêm những thứ mà mình thích.

    Nếu bạn đang gặp rắc rối trong việc mất cảm hứng làm việc, học tập và rèn luyện. Bạn có thể tham khảo những chia sẻ trên.

    Nếu bạn đang có phương pháp tạo động lực làm việc riêng của bản thân mình. Hãy chia sẻ với mình ở phần bình luận nhé!

    Nếu cảm thấy bài viết có ích, hãy giúp mình chia sẻ nhé:
    ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH LEVEL UP CÙNG THIẾT KẾ GAME
    HƯỚNG DẪN BẰNG VIDEO CLIP
    VIỆC LÀM CHO GAME DESIGNER

    THÔNG TIN TÁC GIẢ

    thiet-ke-game

    CHRISTIAN NGUYỄN

    • Người sáng lập Thiết kế Game.
    • Công việc hiện tại: Lead Game Designer, Training, Coaching, Knowledge Management.
    • Thế mạnh: Thiết kế Game và Quản lí dự án
    • Kĩ năng bổ trợ: UI/UX Designer, Web Design, Game Trailer, Sound Design
    • Sở thích: Chơi game, thể thao, đọc sách & chia sẻ kiến thức

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN

    2 Comments
    Inline Feedbacks
    View all comments
    Ngô Quang Đạo

    Rất tuyệt vời khi đọc xong bài viết này của anh.