Gamification cho người mới

Gamification dành cho người mới

ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH LEVEL UP CÙNG THIẾT KẾ GAME
Nội dung chính
    Add a header to begin generating the table of contents

    Gamification (Game hóa) là một khái niệm ngày càng phổ biến trong những năm gần đây.

    Vậy nên hiểu về Gamification thế nào cho đúng?

    Gia đình mình vẫn thường xuyên hỏi mình rằng:

    Liệu ngành Game mà mình đang theo có thực sự là một ngành lâu bền trong tương lai!

    Thú thực, lúc vừa mới vào nghề, mình cũng rất băn khoăn về câu hỏi này…

    Ba mình hồi trẻ rất mê cây cối, ông tốt nghiệp ngành Kĩ sư lâm nghiệp. Thời gian đó nhiệm vụ của ông là chỉ đạo khai thác và trồng rừng một cách hợp lí. Giai đoạn đó, lúc mình còn nhỏ, ông thường xuyên bám rừng và đi công tác xa nhà.

    Trẻ con mình vẫn hay hỏi vu vơ: “Tại sao ba làm nghề này?”. Ông trả lời: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Rõ ràng, khai thác gỗ là một nghề thời thượng vào giai đoạn đó. Ông nói ngành lâm nghiệp năm đó thi Đại Học điểm còn cao hơn cả Bác sĩ Đa Khoa.

    Nhưng sau này, chắc các bạn cũng đã biết, nghề đi rừng “lỗi thời” và ba mình gặp rất nhiều khó khăn để tìm kiếm một công việc mới. Bởi lẽ tấm bằng Đại Học của ông quá đặc thù về chuyên môn.

    Đến lượt mình chọn nghề, mình cũng mang một nỗi tâm tư tương tự như thế.

    Liệu nghề Game Design vào một tương lai xa xăm nào đó có trở nên lỗi thời?

    Nếu là một Game Artist, bạn vẫn có thể vận dụng những kiến thức đã học và chuyển qua những ngành liên quan (Cartoon, Branding, Graphic design, …). Nếu là một Game Dev, nếu có tư duy lập trình tốt, bạn vẫn có thể dễ dàng hòa nhập được với các mảng chuyên môn khác (App, Web…).

    Thế còn Game Designer thì sao?

    Có một thực tế, rằng phần nhiều mọi người vẫn đang hiểu về “Game” theo một định nghĩa hẹp là Video Game. Trên thực tế, Video Game là “tầng thể hiện” dễ tiếp cận nhất của khái niệm Gamification – Game hóa.

    Nếu các được trang bị những kiến thức và tư duy về Gamification. Các Game Designer sẽ cực kì linh hoạt và gần như không bao giờ “out of date”. Và dĩ nhiên, không bao giờ sợ thất nghiệp trong tương lai.

    Đó là lí do bài viết này ra đời.

    I. GAMIFICATION LÀ GÌ?

    Gamification là gì

    Gamification (Game hóa) là việc ứng dụng các thành phần của Game vào trong các lĩnh vực khác để tạo ra trải nghiệm thú vị cho người sử dụng.

    Trong xu hướng phát triển những năm gần đây, Gamification được áp dụng và tương thích với khá nhiều lĩnh vực quan trong. Như marketing, phát triển phần mềm, giáo dục, hoạt động nhân sự,…

    II. MỤC ĐÍCH CỦA GAMIFICATION

    Bằng cách nắm vững các yếu tố cơ bản có thể tác động lên tâm lý người chơi trong trong Thiết kế Game. Gamification ứng dụng lại chúng một cách linh hoạt dựa và đưa nó vào từng lĩnh vực cụ thể. Điều này không nằm ngoài mục đích tăng tính trải nghiệm, sức hút  và sự tương tác của người dùng lên hệ thống được áp dụng các kĩ thuật Gamification.

    III. MỘT SỐ YẾU TỐ TRONG THIẾT KẾ GAME CÓ THỂ ỨNG DỤNG VÀO GAMIFICATION

    a. Điểm (Points)

    Điểm trong Gamification

    Điểm (Points) là yếu tố cơ bản trong thiết kế Video Game nói riêng và Gamification (Game hóa) nói chung.

    Điểm được dùng để thưởng cho việc thực hiện thành công các tác vụ cụ thể được yêu cầu trong hệ thống Gamification. Và cùng với đó, chúng được dùng để đại diện cho sự tiến bộ của người sử dụng.

    Có nhiều loại điểm khác nhau: Điểm kinh nghiệm, điểm đổi thưởng, điểm danh vọng, … .Tên gọi và mục đích sử dụng của chúng được linh động theo cơ chế ghi nhận của hệ thống nó đang phục vụ.

    Một trong những công dụng quan trọng nhất của Điểm là cung cấp sự phản hồi từ người sử dụng. Điểm cho phép đo lường hành vi của họ gần như tức thời để hệ thống Gamification có thể ngay lập tức có thể ghi nhớ và quyết định các hành động hợp lí tiếp theo (khen thưởng, nhắc nhở, trừng phạt,…).

    Hệ thống tích điểm khách hàng tại các siêu thị.

    Máy chấm công tại một số doanh nghiệp.

    [Tìm hiểu thêm]. Thiết kế và cân bằng điểm kinh nghiệm trong Video Game

    b. Danh hiệu (Badges)

    Danh hiệu trong Gamification

    Danh hiệu (Badges) là các hình thức thể hiện cho thành tích. Các thành tích này có thể đạt được bằng nhiều phương thức khác nhau trong môi trường Gamification được thiết kế sẵn.

    Danh hiệu là cách để xác nhận thành tích của người dùng, thể hiện cho sự tiến bộ, ghi nhận các mục tiêu mà họ đã đạt được. Danh hiệu là các dễ tiếp cận nhất trong các hoạt động vinh danh người tham gia Gamification.

    Để giành được danh hiệu, người dùng có thể cần đáp ứng được yêu cầu về Điểm hoặc hoàn thành các hoạt động cụ thể đã được định nghĩa từ trước.

    Tương tự như Điểm, danh hiệu cung cấp phản hồi từ người chơi. Nhưng được hình tượng hóa thành các mục tiêu và cột mốc cụ thể hơn. Ngoài ra, người làm Gamification có thể sử dụng danh hiệu để điều hướng hành vi của người sử dụng. Để khiến họ tập trung hơn vào một mặt nhất định nào đó.

    Danh hiệu nhân viên có doanh số cao nhất tháng.

    Vinh danh nhân viên bán được mẫu xe A nhiều nhất Quý.

    [Tìm hiểu thêm]. Thiết kế các danh hiệu và thành tích trong Video Game

    c. Bảng xếp hạng (Leaderboard)

    Bảng xếp hạng trong Gamification

    Bảng xếp hạng (Leaderboard) định nghĩa thứ hạng của người sử dụng Gamification theo thành tích tương đối của họ. Các bảng xếp hạng đo lường thành công của người sử dụng theo những tiêu chí nhất định.

    Do đó, Bảng xếp hạng sẽ phục vụ mục đích xác định được đối tượng hoạt động tốt nhất trong tiêu chí mà Leaderboard đã định nghĩa từ trước. Ngoài ra, bảng xếp hạng cũng là vùng thể hiện những chỉ số cạnh tranh về sự tiến bộ về hiệu suất của những đối tượng cùng tham gia trong Gamification.

    Sự cạnh tranh do Bảng xếp hạng sinh ra có thể tạo ra những áp lực để tăng mức độ tương tác của người chơi. Do đó, có thể tác động tích cực đến việc tham gia Gamification. Và đạt được những sự tiến bộ nhất định.

    Dĩ nhiên, khả năng này sẽ cao hơn rất nhiều. Nếu những đối thủ cạnh tranh trong một Gamification có năng lực hiệu suất ở mức tương đồng với nhau.

    Xếp hạng học sinh vào cuối năm học.

    Xếp hạng tài phú trong các Video Game

    [Tìm hiểu thêm]. Thiết kế Leaderboard trong Video Game

    d. Thống kê hiệu suất (Performance Statistics)

    Thống kê hiệu suất (Performance Statistics) ở Video Game thường được sử dụng trong các game Mô phỏng (Simulation) hoặc Chiến lược (Strategy). Việc thống kê cung cấp thông tin cho người chơi trạng thái hiệu suất của họ tại thời điểm hiện tại và có thể đưa ra các so sánh tương đối ở các thời điểm trước đó.

    Trong Gamification, trái ngược với Bảng thành tích, thống kê hiệu suất không lấy một tiêu chí riêng lẻ để đưa ra cơ sở so sánh mà sử dụng đơn vị chính là thời gian để đánh giá thành tích của người tham gia.

    Bằng cách đó, thống kê hiệu suất trong Gamification sẽ tập trung vào việc cải tiến, nâng cấp các chỉ số được xem là ưu thế.

    Theo dõi và lên kế hoạch bồi dưỡng các học sinh có điểm Toán cao trong học kì 1. Để tham gia các cuộc thi Toán cấp thành phố và học kì 2.

    e. Câu chuyện (Story)

    Câu chuyện (Story) là yếu tố trong Thiết kế Game không liên quan đến việc đo lường hiệu suất, thành tích hay thể hiện tính cạnh tranh.

    Câu chuyện là phương tiện liên kết chúng lại với nhau một cách hợp lí. Trong Gamification, sử dụng yếu tố kể chuyện sẽ giúp người sử dụng dễ dàng tiếp cận hơn với những tiêu chí, quy tắc được người Thiết kế Game đưa ra.

    Câu chuyện đưa người sử dụng Gamification vào các bối cảnh, ngữ cảnh (có thể có thực hoặc không có thực) để đưa ra các tình huống, vấn đề, cách giải quyết hay sự lựa chọn.

    Story là yếu tố đặc biệt ảnh hưởng đến tương tác của người sử dụng Gamification bằng cách truyền cho họ cảm hứng, “niềm tin” và sẽ càng hiệu quả hơn nếu bạn xác định được sở thích của những người tham gia và kể cho họ nghe câu chuyện mà họ muốn nghe.

    Một số ứng dụng giáo dục cho trẻ em sử dụng đồ họa hoạt hình. Đưa vào những bối cảnh trẻ em ưa thích (khu rừng, động vật, …) để kể chuyện và lồng ghép các bài học vào trong đó.

    [Tìm hiểu thêm]. Cách xây dựng cốt truyện trong Game cho người mới

    LỜI KẾT

    Gamification là một lĩnh vực vô cùng rộng lớn và có rất nhiều tính ứng dụng.

    Bằng cách sử dụng nhuần nhuyễn các yếu tố của Thiết kế Game. Người thực hiện Gamification sẽ có khá nhiều lựa chọn để thu hút, truyền cảm hứng và tăng tính tương tác đối với người sử dụng.

    Gamification là một chủ đề thú vị mà mình sẽ tiếp tục chia sẻ thêm nhiều thông tin trong thời gian sắp tới!

    Nếu cảm thấy bài viết có ích, hãy giúp mình chia sẻ nhé:
    ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH LEVEL UP CÙNG THIẾT KẾ GAME
    HƯỚNG DẪN BẰNG VIDEO CLIP
    VIỆC LÀM CHO GAME DESIGNER

    THÔNG TIN TÁC GIẢ

    thiet-ke-game

    CHRISTIAN NGUYỄN

    • Người sáng lập Thiết kế Game.
    • Công việc hiện tại: Lead Game Designer, Training, Coaching, Knowledge Management.
    • Thế mạnh: Thiết kế Game và Quản lí dự án
    • Kĩ năng bổ trợ: UI/UX Designer, Web Design, Game Trailer, Sound Design
    • Sở thích: Chơi game, thể thao, đọc sách & chia sẻ kiến thức

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN

    0 Comments
    Inline Feedbacks
    View all comments