LỜI NÓI ĐẦU
“Mình đã dùng phương pháp tự học nào để sở hữu nhiều kỹ năng bổ trợ như vậy?”
Đây là một trong những câu hỏi thú vị nhất mà mình nhận được trong thời gian vừa qua.
Công bằng mà nói, Thiết kế Game là vị trí cực kì quan trọng trong một đội ngũ sản xuất Game (có thể là cả vận hành game). Ngoài chuyên môn sâu về lĩnh vực của mình, người Thiết kế Game cần có cả vốn hiểu biết rất rộng để có thể tiến xa trên con đường sự nghiệp.
Ở giai đoạn tiền kì sản xuất (Game Pitching và viết Game Design Document). Người Thiết kế Game gần như là nhân tố duy nhất có thể “mường tượng” ra game khi thành hình về cơ bản sẽ như thế nào. Nói một cách nôm na, anh/cô ta sẽ là người chơi game đầu tiên trong trí tưởng tượng.
[Tìm hiểu thêm]. Game Pitching và Game Design Document là gì?
Trình độ của người Thiết kế Game càng cao thì việc “truyền đạt” lại điều này cho đội ngũ sản xuất sẽ càng rõ ràng hơn. Dẫn đến việc hiện thực hóa bản thiết kế dễ dàng.
Game càng phức tạp, việc trình bày đòi hỏi càng chi tiết để tránh những sai sót không đáng có. Tránh được việc mất thời gian sửa chữa và chi phí hao tổn vô ích.
Để làm được điều này, trong quá trình làm việc lâu dài. Mình đã áp dụng nhiều phương pháp tự học các kỹ năng bổ trợ để phục vụ cho công việc được dễ dàng hơn. Qua đó cũng là một cách nâng cao vốn kiến thức của bản thân.
1. KỸ NĂNG BỔ TRỢ ĐỐI VỚI GAME DESIGNER
Theo cách hiểu thông thường, viết Game Design Document công việc có tính thường xuyên nhất của một người Thiết kế Game. Không biết bạn đã từng thoáng nghe qua câu nói:
Ở đẳng cấp cao nhất, Game Design Document là thứ duy nhất mà người Thiết kế Game cần để giao tiếp với đội ngũ.
Có thể hiểu cơ bản là, khi bạn lên đến đỉnh, công việc của bạn là để lại một Game Design Document (tầm này thì có thể gọi là cẩm nang hay kinh thánh gì đó rồi) và đi đâu đó du lịch, sau khi bạn quay về thì game đã xong 😆 . Thật lòng mà nói, mình khá tin rằng trên thế giới chưa có ai đạt được đến đẳng cấp này.
Tại sao mình đưa ra dẫn chứng trên?
Nếu bạn không có kỹ năng bổ trợ nào để diễn đạt cho Design Document của mình ngoài việc viết lách. Thì để làm một game cỡ vừa và lớn. Với một bộ tài liệu toàn chữ. Khả năng viết của bạn chắc cũng phải “gần gần” ở mức kể trên.
Nhưng nếu bạn có các kỹ năng bổ trợ thì lại là chuyện khác. Bạn có thể biến Game Design Document của mình thành một cẩm nang đa phương tiện (Multimedia). Qua đó hỗ trợ rất tốt cho công việc của mình.
2. KỸ NĂNG BỔ TRỢ ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ SẢN XUẤT
Trong một đội ngũ sản xuất game, về cơ bản sẽ có những vị trí chính cần phụ trách như sau
- Thiết kế
- Lập trình
- Đồ họa
- Âm thanh
Trong đó, người Thiết kế Game luôn cần trang bị cho mình một cái nhìn bao quát.
Nếu sở hữu một hoặc tất cả những kỹ năng bổ trợ trên hoặc hơn thế nữa. Bạn sẽ phần nào tìm được tiếng nói chung với đội ngũ. Điều này sẽ giúp cho quá trình sản xuất diễn ra trôi chảy hơn.
Việc có kiến thức về chuyên môn của người khác khiến bạn có thể hiểu được phần nào công việc của họ. Ở tầm cao hơn, bạn có thể ước lượng được khối lượng chi phí cho một đầu việc (khối lượng công việc và thời gian thực thi) trước khi tiến hành thiết kế và sản xuất. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng làm việc hơn nếu có cơ hội thăng tiến lên các vị trí quản lí cấp cao.
3. CÂU CHUYỆN TỰ HỌC CỦA MÌNH
Có một thời gian cách đây cũng lâu. Vào buổi tối mình “khá rảnh rỗi“. Lúc đó mình giết thời gian bằng cách xem phim, đọc sách (may mà còn được cái này)… .Và nhiều nhất là chơi game. Cụ thể là chơi Dota2.
Sau một thời gian cày cuốc, mình đạt mức rank tầm xấp xỉ 5k MMR. Sau đó thành tích này cứ dậm chân tại chỗ và không thể cải thiện được. Càng thua càng cay cú, có những hôm mình thức đến 3h-4h sáng chỉ để thu được kết quả +25 points.
À mà nhắc đến chuyện rank. Đây là một trong những hệ thống dễ “gây nghiện” thực sự đối với người chơi. Mình đã có một bài hướng dẫn về cách Thiết kế hệ thống xếp hạng, bạn có thể tham khảo TẠI ĐÂY
Việc thức khuya nhiều ảnh hưởng khá trầm trọng đến sức khỏe của mình. Kết quả nhãn tiền là một trận ốm tả tơi. Đến khi nằm trên giường bệnh, mình mới có dịp suy nghĩ về sự nghiệp, tương lai,…
Đúng là đến khi gặp phải một cú sốc nào đó, con người ta mới có thể trở nên thay đổi. Mình cảm thấy thời gian vừa qua trôi đi thật uổng phí. Việc “đốt cháy” năng lượng của tuổi trẻ vào những ảo mộng danh vọng khiến cho cái đầu mình bị “đơ” đi khá nhiều. Có thể nói đây là khoảng thời gian “vô dụng” nhất mà mình từng trải qua.
Và thế là mình quyết định phải có một sự thay đổi!
Cách chống “đơ” mình thường áp dụng nhất là học một cái gì đó mới mẻ và thú vị.
Trải qua nhiều lần thử nghiệm và thực hành, mình đã đúc kết ra được một số phương pháp tự học các kỹ năng mới. Hiện tại, khi sử dụng phương pháp này, cá nhân mình có thể tự học bất cứ kỹ năng mới nào ở bất cứ lĩnh vực nào (đương nhiên là chỉ đề cập đến những thứ liên quan đến đầu óc, chứ thể chất thì chưa được kiểm chứng).
Mình sẽ chia sẻ lại các phương pháp này. Có thể sẽ giúp ích cho những bạn đang ở trong trạng thái “đơ” như mình khi xưa.
PHƯƠNG PHÁP 1: XÁC ĐỊNH KHỐI LƯỢNG CẦN HỌC
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến khái niệm: 10.000 giờ.
Đây là khái niệm được diễn giải cực chi tiết trong cuốn sách Outlier (Những kẻ xuất chúng) của Malcolm Gladwell.
Để đạt đến đỉnh cao trong ngành nghề mình theo đuổi thì phải qua 10.000 giờ luyện tập.
Khái niệm này là thứ khiến khá nhiều người bỏ cuộc khi dự định học một kỹ năng mới. Với những lí do như bận rộn, gia đình, không có thời gian,…
Nhưng có một điều có thể bạn vô tình quên, quy tắc này chỉ dành cho những người muốn nghiên cứu ở mức độ cao nhất: Chuyên Gia. Dành cho những người muốn đứng ở đỉnh cao ở một ngành nghề hay xa hơn là có tham vọng trở thành một huyền thoại. Đại đa số trong chúng ta không có nhu cầu đó. Trong đó có mình, khi nảy sinh nhu cầu học các kỹ năng bổ trợ.
Mình không có ý định trở thành một Lập trình viên “cứng cựa” hoặc một Game Artist “tay to”. Thứ mình đam mê và theo đuổi là Thiết kế Game (Game Design) và mình đang cần học các kỹ năng bổ trợ để phục vụ tốt hơn cho công việc. Xa hơn nữa là xác định các giới hạn của bản thân.
Như vậy, quy tắc 10.000 giờ sẽ không được áp dụng tại đây.
Việc bạn cần làm là xác định được khối lượng cần học và mục đích. Để đưa ra phương pháp tự học thích hợp.
PHƯƠNG PHÁP 2: PHÂN TÁCH KỸ NĂNG CẦN HỌC THÀNH TỪNG MẢNG
Nếu muốn học một kỹ năng mới, bạn nên chia chúng ra thành từng phần. Và học chúng với những mục đích cụ thể.
Mục đích càng cụ thể hóa thì bạn càng dễ dàng xác định được mục tiêu.
Học các tools cơ bản của Photoshop được vẽ được những hình cơ bản.
Học làm một vài diễn hoạt đơn giản trên After Effect.
Lấy dẫn chứng ở mình, khi tự học tiếng Pháp, mình đặt mục tiêu khá cụ thể: “Lấy một tấm bằng tiếng Pháp nhanh nhất trong thời gian có thể”. Và những kiến thức mình tự học trong thời gian đó chỉ xoay quanh việc lấy bằng.
Có thể việc này khá là thực dụng, nhưng một đích nhắm cụ thể là cơ sở cho bạn xác định được khối lượng công việc mình cần làm. Hiện tại mình sử dụng tiếng Pháp khá ổn và hoàn toàn có khả năng học tiếp lên cao hơn nếu mình có nhu cầu. Đương nhiên, sau khi lấy được tấm bằng đầu tiên, các mức độ sau sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Nhưng khi bạn đã làm chủ được phương pháp tự học phân tách. Bạn sẽ giải quyết được các khó khăn tăng dần nếu thực sự bạn muốn học chuyên sâu hơn. Khi đã đạt được thành tựu đầu tiên. Chỉ cần có quyết tâm, các thành tựu tiếp theo chỉ còn là vấn đề thời gian.
PHƯƠNG PHÁP 3: HỌC VỪA ĐỦ ĐỂ THỰC HÀNH
Khi bạn học một kỹ năng mới. Có một giai đoạn những người không có kinh nghiệm tự học thường mắc phải. Mình hay gọi nó là “Tuần trăng mật”.
Ở giai đoạn này, bạn cực kì háo hức với kỹ năng mới. Bạn tải đủ thứ tài liệu trên đời về. Lưu trữ chúng với dung lượng trong ổ cứng lên đến hàng chục GB. Nhưng khi đến lúc mở ra, bạn chỉ đọc vài trang rồi ngủ gục. Bạn mất phương hướng ngay từ đầu. Xác suất bỏ cuộc sau giai đoạn này rất cao.
Có một khẩu quyết trong phương pháp tự học này mà bạn nên tuân thủ:
Chỉ học vừa đủ để tự thực hành.
Bạn chỉ cần trang bị những quy tắc cơ bản của kỹ năng đó để thực hành. Mục đích chính là có thể tạo ra sản phẩm ngay lập tức bằng những nguyên tắc vừa học. Và từng chút một nâng cấp sản phẩm lên các mức chất lượng cao hơn.
Tạo nên chuyển động từ A đến B của một hình vuông khi học After Effect. Sau đó nâng cấp lên vừa di chuyển vừa xoay…
Đánh được bài “Đàn Gà Con” khi tự học Organ (đơn âm bằng tay phải). Sau khi thành thạo thì cũng đánh lại bài này nhưng bấm thêm gam Đô Trưởng bằng tay trái.
Mọi thứ phức tạp đều được cấu thành từ những quy tắc cơ bản nhất. Học cơ bản và thực hành là phương pháp tự học nhanh và đỡ tốn công sức nhất.
PHƯƠNG PHÁP 4: LOẠI BỎ HOÀN TOÀN MỌI CHƯỚNG NGẠI VẬT
Trong mọi phương pháp tự học, sức tập trung đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để nhanh chóng đạt được kết quả tốt. Bạn cần loại bỏ bất cứ điều gì cản trở động lực của mình.
Tập trung về đầu óc
Khi đã quyết định ngồi xuống và bắt đầu học. Hãy bỏ qua những thứ có nguy cơ làm bạn mất đi sự tập trung (tivi, tắt âm notification của điện thoại,…).
Với mình, khi rèn luyện những kỹ năng thiên về sử dụng phần mềm, công cụ. Mình không bao giờ mở tab Facebook trên trình duyệt (khá là hiệu quả vì thứ này làm mất tập trung kinh khủng). Thậm chí nếu mở nhạc, mình chỉ mở nhạc không lời hoặc một thứ tiếng nào đó mình không hiểu (vì nếu hiểu thì mình sẽ hát theo 😕 ).
Tập trung về chuyên môn
Ở mặt tập trung đầu óc, mỗi người sẽ có một phương pháp tự học riêng. Nhưng cái bẫy tập về sự tập trung vẫn còn hiện hữu. Đó là ở mặt tập trung về chuyên môn.
Ở mục phương pháp 2, mình đã có đề cập đến việc phân tách kỹ năng thành từng phần nhỏ. Nôm na đây là cách “chia để trị”.
Và khi đã “chia” rồi, thì đừng quan tâm đến việc “trị” thứ gì khác ngoài thứ bạn đã “chia”.
Khi cần học diễn hoạt chuyển động cho một nhân vật. Hãy lên mạng và tải về bất cứ tài nguyên nào mà bạn cảm thấy có hứng thú dựng animation cho nó. Việc lóc cóc vẽ một nhân vật (nếu bạn đã biết vẽ ) rồi mới mày mò làm animation cho nó rất mất thời gian. Khiến bạn quên mất việc tập trung vào chuyên môn mình đang học là dựng animation.
PHƯƠNG PHÁP 5: TẬN DỤNG CƠ HỘI THỰC HÀNH
Ông bà ta đã từng nói:
Học phải đi đôi với hành.
Với một kỹ năng mới, cách học nhanh nhất là thực hành thường xuyên.
Nếu có cơ hội thực hành, hãy tận dụng nó. Nếu chưa có cơ hội, hãy tạo ra cơ hội!
Trong khoảng thời gian mình đang tự học kỹ năng đồ họa (cũng đã học xong các kỹ năng cơ bản và đang tiến hành nâng cấp). Công ty mình đang thiếu người phụ trách mảng Game UI. Mình thông báo với team là mình có khả năng đảm nhận vị trí này trong thời gian tìm người thay thế.
Đối với mình lúc đó, đây là quyết định khá mạo hiểm. Và nếu bạn nào đang có ý định giống như mình lúc đó cần phải hết sức cẩn trọng.
Đương nhiên là mình vẫn phải làm tốt công việc chính là Thiết kế Game. Game UI chỉ là mảng mình hỗ trợ cho team, không được phép để nó làm ảnh hưởng đến công việc chính. Việc chơi “hai tay hai súng” trong khoảng thời gian này làm mình khá áp lực và stress khá nhiều, nhưng may mắn là mình đã vượt qua để tiến lên một tầm cao mới.
Hiện tại thì team mình đã có người đảm trách mảng Game UI này. Nhưng ở những dự án ngắn yêu cầu hiệu quả và tốc độ sản xuất nhanh. Mình vẫn sẽ có thể đảm nhiệm vị trí này để tối ưu hóa công việc.
Ở dưới là game gần nhất mình đảm nhận hoàn toàn vị trí Game UI. Đây là các Flash Card của một số Events trong game. Không tệ đối với một người không chuyên đúng không nào!
Tiện đây, nếu có nhu cầu. Bạn có thể tham khảo một số cách Thiết kế sự kiện trong Game được mình hướng dẫn BÀI VIẾT NÀY
Cho tới hiện tại, mình cũng đã tận dụng cơ hội để chơi thử khá “nhiều loại súng” khác nhau (Game Trailer, Sound Effect, Web – Landing Page...) và sản phẩm mình tạo ra khá tốt nhờ chịu khó thực hành. Website Thiết kế Game mà các bạn đang xem cũng là một sản phẩm được sinh ra từ các lần thực hành đó.
PHƯƠNG PHÁP 6: HẠN CHẾ VIỆC ẢO TƯỞNG SỨC MẠNH
Như mình đã đề cập từ đầu, để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó. Bạn cần 10.000 giờ luyện tập.
Bằng các phương pháp tự học, có thể bạn đã lĩnh hội được các kiến thức cơ bản. Nhưng để trở thành chuyên gia thì còn một thời gian rất dài.
Kiến thức về đồ họa, về lập trình, các kỹ năng bổ trợ,….Chỉ là thứ giúp bạn có được tiếng nói chung với đội ngũ và giúp bạn hỗ trợ cho công việc chính của mình tốt hơn, ở đây là Thiết kế Game.
Đừng sa đà vào các cuộc cãi vã không đáng có, dẫn đến căng thẳng với người đang phụ trách chính của chuyên môn đó trong team. Bạn cần hết sức chú ý vấn đề này. Để không bị tác dụng ngược từ các kỹ năng mà mình đã học.
Việc ảo tưởng sức mạnh rất hay gặp đối với những người đang ở trạng thái “biết sơ sơ” hay nói thẳng hơn là “múa rìu qua mắt thợ“. Khi bạn thấy mình đang gặp phải vấn đề này, hãy tỉnh táo và nhớ lại mục đích học tập của mình là gì.
LỜI KẾT
Nghề Thiết kế Game nói riêng và ngành Game nói chung là một công việc thú vị nhưng nhiều thử thách. Kiến thức của nhân loại cập nhật liên tục và bạn cũng sẽ không nằm ngoài xu thế đó nếu muốn thành công.
Khi theo nghề Thiết kế Game, việc phát triển toàn diện sẽ khiến bạn giành được nhiều lợi thế và thăng tiến nhanh chóng trên con đường sự nghiệp.
Hãy lên kế hoạch học tập ngay từ bây giờ với những phương pháp tự học hiệu quả. Rồi một ngày nào đó, bạn sẽ tận hưởng trái ngọt từ những cây kiến thức bạn vun trồng hôm nay.