Kỹ năng phỏng vấn

Bí kíp kỹ năng phỏng vấn cho Game Designer

ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH LEVEL UP CÙNG THIẾT KẾ GAME
Nội dung chính
    Add a header to begin generating the table of contents

    Bạn là Game Designer và đang muốn tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp. Bạn đã tìm kiếm rất nhiều công ty, vắt óc để chuẩn bị cho một một bản CV hoàn hảo nhất. Và cuối cùng điều bạn mong đợi cũng đã đến: Bạn nhận được lời mời phỏng vấn. Bạn có thể vui sướng và cảm thấy thật tuyệt vời. Thế nhưng, đây chỉ mới là phần đầu của câu chuyện. Bạn đã thật sự sở hữu kỹ năng phỏng vấn tốt dành cho một Game Designer.

    Phỏng vấn luôn là một vòng cực kì quan trọng trong các quy trình tuyển dụng của bất cứ ngành nghề nào. Đối với nghề Thiết kế Game, kỹ năng phỏng vấn còn được đánh giá ở mức độ cao cấp hơn. Vì nó gắn liền với công việc hằng ngày của bạn: Kỹ năng giao tiếp và trình bày.

    Mình đã có chuyên mục hướng dẫn kỹ năng viết CV cho một Game Designer. Bạn có thể theo dõi nội dung này TẠI ĐÂY

    Ở chuyên mục hôm nay, với kinh nghiệm làm việc nhiều năm và tiếp xúc với khá nhiều ứng viên cũng như các nhà tuyển dụng khác nhau. Mình sẽ chia sẻ với các bạn cấu trúc tổng quát của một vòng Interview. Từ đó, góp phần giúp bạn có thể xây dựng kỹ năng phỏng vấn của mình.

    1. PHỎNG VẤN LÀ GÌ?

    Phỏng vấn là một phần của quy trình tuyển dụng. Mục đích của vòng phỏng vấn là tạo cho ứng viên và nhà tuyển dụng cơ hội để có thể nắm bắt thêm các thông tin cần thiết. Từ đó có thể đưa ra các quyết định chính xác nhất.

    Thông thường, vòng phỏng vấn sẽ diễn ra sau vòng chọn CV. Mục đích để giúp cho nhà tuyển dụng tiết kiệm thời gian bằng cách lọc trước ra các ứng viên có tiềm năng nhất để tiến hành tìm hiểu sâu hơn.

    Nếu bạn nhận được lời mời phỏng vấn cho vị trí Game Designer tại một công ty. Đây là tín hiệu đáng mừng vì hồ sơ của bạn đã thực sự đáng chú ý hơn những người khác.

    2. CÁC DẠNG PHỎNG VẤN

    Tùy vào quy mô công ty và tầm quan trọng của vị trí Game Designer tại đơn vị đó. Để Nhà Tuyển Dụng có thể thực hiện các hình thức phỏng vấn tương ứng.

    Thông thường sẽ có các dạng sau:

    a. Sơ vấn qua điện thoại

    Phỏng vấn qua điện thoại

    Vòng này sẽ có mặt khi vị trí bạn đang ứng tuyển cực kì hot hoặc bạn ứng tuyển vào những công ty rất lớn với số lượng hồ sơ khổng lồ. Với lượng ứng viên lớn như vậy, việc “lọc CV” là không đủ để tinh gọn lại danh sách những ứng viên tiềm năng. Và thế là cách thức sơ vấn qua điện thoại ra đời.

    Điện thoại” ở đây có thể là điện thoại theo nghĩa đen, trao đổi thông qua giọng nói. Hoặc là Video Call với cả hình ảnh và âm thanh.

    Chủ yếu vòng này sẽ xác minh lại thông tin bạn ghi trong CV. Kiểm tra khả năng giao tiếp, độ phù hợp với văn hóa công ty. Hoặc đơn giản hơn là kiểm tra “khả năng ngoại ngữ” trong trường hợp bạn đầu quân vào các công ty nước ngoài.

    b. Phỏng vấn trực tiếp

    Phỏng vấn trực tiếp

    Theo đánh giá của mình, đây là dạng quan trọng nhất và sẽ có mặt trong hầu hết các quy trình phỏng vấn.

    Nếu như đối với vòng sơ vấn, bạn có thể chỉ trao đổi với người thuộc bộ phận tuyển dụng (HR Team). Thì ở vòng này, người phỏng vấn bạn sẽ mang tính chất chuyên môn nhiều hơn. Có thể là người quản lý dự án của bạn trong tương lai (Business Owner), người đứng đầu bộ phận bạn đang phỏng vấn (Lead Game Designer),…

    Các câu hỏi sẽ tập trung nhiều vào kiến thức và kĩ năng chuyên môn. Ngoài ra, yếu tố phù hợp với văn hóa và quy trình làm việc của đội ngũ cũng sẽ được đánh giá cao trong vòng này.

    c. Phỏng vấn sâu

    Vòng phỏng vấn này sẽ xuất hiện ở những vị trí rất cao cấp. Bạn có thể sẽ gặp lại những người đã phỏng vấn mình ở những vòng trước. Ngoài ra, có thể sẽ có những nhân vật đặc biệt hơn (CEO, CTO, Head của bộ phận,…).

    Thông thường, không nhất thiết quy trình phỏng vấn nào cũng sẽ có mặt cả 3 vòng trên. Ở những công ty với quy mô trung bình và nhỏ, để tiết kiệm thời gian và tránh những tiểu tiết không cần thiết. Tất cả các chi tiết trên có thể gộp lại thành một vòng duy nhất.

    3. QUY TRÌNH CỦA MỘT BUỔI PHỎNG VẤN

    Quy trình phỏng vấn

    Tùy thuộc vào cơ cấu quản lí và cách thức chọn người của các công ty. Các buổi phỏng vấn có thể khác biệt ở một số chi tiết nhưng một quy trình phỏng vấn gần như không thể thiếu các bước như sau:

    Phần 1: Giới thiệu

    Đây là phần mở đầu. Người phỏng vấn sẽ giới thiệu họ và đưa ra yêu cầu ngược lại đối với bạn.

    Đây là “miếng trầu đầu câu chuyện“. Là phần tuy “dễ mà khó”. Hãy nhớ rằng phần giới thiệu của bạn cần có sự liên quan đến công việc và vị trí bạn đang ứng tuyển.

    Đây là kỹ năng phỏng vấn đầu tiên bạn cần thể hiện trong vai trò một Game Designer: Sự logic và khoa học.

    Bạn không cần phải giới thiệu ngày tháng năm sinh, tình trạng hôn nhân, hay sở thích cá nhân.

    Bạn cần tóm tắt quá trình làm việc của bản thân, sơ lược con đường sự nghiệp mà bạn đã đi qua (nếu bạn là một người có kinh nghiệm lâu năm), dự định sắp tới (cũng như mục đích mà bạn ứng tuyển vào công ty),…

    Mình cam đoan thông tin này sẽ là thứ người phỏng vấn cực kì muốn được biết. Và đây cũng là cách để bạn gây ấn tượng với họ.

    Phần 2: Đặt câu hỏi

    Sau phần giới thiệu “chào sân” ban đầu, tiếp đến sẽ là phần đặt câu hỏi. Mục đích để khai thác sâu vào kỹ năng phỏng vấn, thái độ và khả năng giao tiếp của bạn.

    Đây là phần quan trọng nhất mà mình sẽ hướng dẫn kĩ càng hơn ở bên dưới.

    Phần 3: Đề nghị một bài kiểm tra ngắn (nếu cần thiết)

    Tùy vào vị trí Game Designer mà bạn ứng tuyển. Nhà tuyển dụng có thể yêu cầu bạn thể hiện kỹ năng phỏng vấn bằng cách thực hiện một bài kiểm tra ngắn. Có thể nội dung về kĩ năng, chuyên môn, tư duy, khả năng thuyết trình và xử lí vấn đề,…

    Vẽ sơ đồ Coreloop của một game. Phân tích các Game Mechanic tiêu biểu,…

    [Tìm hiểu thêm]. Coreloop là gì?

    [Tìm hiểu thêm]. Game Mechanic là gì?

    Phần 4: Tổng kết

    Sau khi phần thu thập thông tin kết thúc, người phỏng vấn sẽ thực hiện các bước tổng hợp. Thông thường họ sẽ tạo cho bạn cơ hội để đặt ra một số câu hỏi.

    Sau đó mô tả bước tiếp theo của quy trình tuyển dụng. Và đưa ra một cột mốc thời gian để thông báo kết quả phỏng vấn.

    Bạn nên gửi lời cảm ơn tới nhà tuyển dụng trực tiếp và gửi kèm thêm một email sau khi buổi phỏng vấn kết thúc.

    4. CẤU TRÚC CÂU HỎI PHỎNG VẤN

    Câu hỏi phỏng vấn

    Để rèn luyện kỹ năng phỏng vấn, bạn sẽ cần nắm bắt được cấu trúc tổng quát của các dạng câu hỏi phỏng vấn mình sẽ gặp. Sẽ có các nhóm câu hỏi chính như sau:

    a. Các câu hỏi chung

    Các câu hỏi chung nhằm mục đích làm rõ các thông tin có trên Resume/CV. Ngoài ra, dạng câu hỏi này sẽ làm rõ hơn mục đích nghề nghiệp và định hướng tương lai của bạn.

    Nó có thể là:

    • Tóm tắt sơ lược về dự án gần đây nhất bạn tham gia?
    • Mô tả vai trò và công việc của bạn tại công ty cũ
    • Vì sao bạn muốn làm việc cho công ty của chúng tôi?

    Để trả lời tốt các dạng câu hỏi này. Bạn cần thực sự hiểu thật rõ vị trí mà mình đang ứng tuyển. Từ đó xác định được phẩm chất, yếu tố cần thiết mà nhà tuyển dụng yêu cầu.

    Bạn có thể tham khảo các vị trí Game Designer thông qua clip dưới đây

    Với đặc thù ở thị trường sản xuất game tại Việt Nam. Các vị trí sẽ chưa thực sự phân hóa quá rõ ràng như trên. Thế nhưng bạn vẫn nên tham khảo để có thêm kiến thức về các công việc mà một Game Designer cần phải làm.

    b. Các câu hỏi hành vi

    Các câu hỏi hành vi luôn là phần ưa thích của các nhà tuyển dụng. Bởi họ tin rằng những gì bạn làm được trong quá khứ sẽ là nền tảng vững chắc để tiên đoán những gì bạn sẽ làm trong tương lai.

    Các câu hỏi đặc thù:

    • Kể về một khó khăn mà bạn đã từng trải qua khi làm game và cách bạn giải quyết chúng.
    • Nói về cách bạn hỗ trợ một người mới (dành cho các vị trí quản lí).
    • Game nào bạn từng thực hiện khiến mình tự hào nhất?
    • Hoặc Nhà Tuyển Dụng đặt ra một tình huống giả định và yêu cầu bạn giải quyết chúng.

    Các câu hỏi này không chỉ đề cập đến kết quả bạn đạt được. Mấu chốt của chúng nằm ở quy trình bạn thực hiện nó. Tại sao bạn làm được và bạn làm được điều đó như thế nào?

    Điều này khiến cho nhà tuyển dụng có đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá độ trung thực của bạn. Vì họ sẽ dễ dàng kiểm chứng lại dựa trên những nội dung mà bạn đã đưa ra một cách chi tiết khi mô tả về chúng.

    Các câu hỏi hành vi thực sự là dạng câu hỏi khó. Nhất là khi bạn chưa hiểu rõ về bản thân mình và chưa thực sự tự tin với những gì mình đang có. Thế nên, cách tốt nhất để thể hiện kỹ năng phỏng vấn của bạn ở phần này là trung thực, diễn đạt mạch lạc và tự tin về khả năng của mình.

    c. Các dạng câu hỏi áp lực

    Mục đích của dạng câu hỏi này là để đẩy tâm lí của bạn lên mức cao trào. Để tạo ra độ căng thẳng nhất định. Nhà tuyển dụng làm điều này để quan sát phản ứng của bạn và cách xử lí trong những tình huống đó.

    Các vấn đề nhạy cảm có thể được đề cập như:

    • Hiện tại chúng tôi đang có danh sách khá nhiều ứng viên tốt. Hãy nêu một lí do để tôi nhận bạn?
    • Nếu bạn phát hiện đồng nghiệp của mình ăn cắp tiền, bạn sẽ làm gì?
    • Game là một ngành kinh doanh. Vậy bạn có cho rằng game có doanh thu “khủng” là một game thành công?

    Vậy mấu chốt của dạng câu hỏi này là gì?

    Việc bạn đưa ra đáp án Đúng hay Sai thực sự không quan trọng. Điều họ cần thấy ở đây là: Sự hợp lí. Hợp lí trong cách bạn xử lí tình huống, phản ứng khi gặp các vấn đề gây căng thẳng. Và đây là cách để phân biệt một ứng viên tiềm năng, sở hữu các kiến thức và kĩ năng phù hợp với vai trò họ đang tuyển dụng.

    Trên thực tế, những thông tin mình vừa chia sẻ với bạn ở trên sẽ có mặt trong các công ty đã xây dựng các quy trình tuyển dụng tiêu chuẩn. Đương nhiên, với từng vị trí (Junior Game Designer, Senior Game Designer, Lead Game Designer,…), hoặc nếu bạn ứng tuyển vào các start-up, một số phần có thể được lược bớt cho phù hợp với văn hóa của từng tổ chức.

    5. MỘT SỐ BÍ KÍP ĐỂ THỂ HIỆN TỐT KỸ NĂNG PHỎNG VẤN

    Sự chuẩn bị chu đáo sẽ không bao giờ là thừa. Điều này chứng minh sự chuyên nghiệp, nghiêm túc và có đầu tư của bạn đối với sự nghiệp của bản thân.

    Bạn có thể có cơ hội thể hiện tốt kỹ năng phỏng vấn của mình đối với Nhà Tuyển Dụng bằng cách thực hiện các bí kíp sau:

    a. Nghiên cứu kĩ Job Description (mô tả công việc) và thông tin công ty

    Việc nghiên cứu kĩ càng mô tả công việc giúp bạn xác định được yêu cầu, phẩm chất, kĩ năng mà vị trí bạn ứng tuyển yêu cầu. Qua đó, bạn sẽ có thể tìm được câu trả lời hợp lí cho các câu hỏi mà Nhà Tuyển Dụng đưa ra. Đặc biệt, đối với công việc yêu cầu sự linh hoạt, khoa học và khả năng trình bày cao như Game Designer.

    Ngoài ra, việc tìm hiểu thông tin công ty giúp bạn có cái nhìn sơ lược về văn hóa, các giá trị cốt lõi mà công ty đang theo đuổi. Điều này sẽ rất có lợi và giúp bạn tạo được thiện cảm đối với người phỏng vấn.

    b. Thân thiện với người phỏng vấn

    Bạn cần thể hiện những cử chỉ đúng mực và tôn trọng đối với người phỏng vấn, bất kể họ đang ở độ tuổi nào. Ngoài ra, bạn nên sử dụng thêm một số ngôn ngữ cơ thể trong quá trình phỏng vấn.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm về một số ngôn ngữ cơ thể qua BÀI VIẾT NÀY

    Phỏng vấn là một quá trình trao đổi và thu thập thông tin. Bất cứ thể hiện nào của bạn khiến cho sự trao đổi thông tin ấy dễ dàng và thân thiện hơn. Bạn đều có thể ghi điểm và tạo được thiện cảm cho người đối diện.

    c. Nói và lắng nghe

    Cách tốt nhất để tạo nên một buổi phỏng vấn thành công là cả ứng viên và nhà tuyển dụng đều có được các thông tin cần thiết. Thế nên, sẽ rất tuyệt vời nếu cả bạn và người phỏng vấn đều có được các khoảng thời gian để thực hiện việc NóiLắng nghe.

    Hãy ghi nhớ rằng, bạn không phải là người duy nhất “bị” phỏng vấn. Bạn luôn có quyền đặt câu hỏi và biến buổi phỏng vấn thành một cuộc thảo luận. Với mục đích trao đổi thông tin trên tinh thần chuyên nghiệp và cả hai bên cùng có lợi.

    Để mà, nếu bạn không thành công khi ứng tuyển vị trí này. Nhà Tuyển Dụng sẽ vẫn luôn xem bạn là một ứng cử viên, một Game Designer cực kì tiềm năng. Mà khi có bất cứ vị trí nào phù hợp hơn, họ sẽ nghĩ ngay đến bạn ngay lập tức và chủ động liên lạc. Đến lúc này, cơ hội của bạn sẽ trở nên tốt hơn rất nhiều.

    LỜI KẾT

    Phỏng vấn là bước không thể thiếu trong bất cứ quy trình tuyển dụng chuyên nghiệp nào. Xây dựng kỹ năng phỏng vấn là vấn đề mà một Game Designer cần đầu tư để có thể tìm được những cơ hội việc làm đáng mong đợi.

    Phỏng vấn không phải là một cuộc thi để tạo ra áp lực cho bạn. Đây là một cơ hội để bạn có thể kết nối với các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng. Qua đó, thể hiện và rèn luyện các giá trị, phẩm chất, kĩ năng nghề nghiệp của bản thân.

    Làm chủ kỹ năng phỏng vấn tốt sẽ là tiền đề để bạn tiến lên những nấc thang lớn lao hơn trên con đường sự nghiệp của mình.

    Nếu cảm thấy bài viết có ích, hãy giúp mình chia sẻ nhé:
    ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH LEVEL UP CÙNG THIẾT KẾ GAME
    HƯỚNG DẪN BẰNG VIDEO CLIP
    VIỆC LÀM CHO GAME DESIGNER

    THÔNG TIN TÁC GIẢ

    thiet-ke-game

    CHRISTIAN NGUYỄN

    • Người sáng lập Thiết kế Game.
    • Công việc hiện tại: Lead Game Designer, Training, Coaching, Knowledge Management.
    • Thế mạnh: Thiết kế Game và Quản lí dự án
    • Kĩ năng bổ trợ: UI/UX Designer, Web Design, Game Trailer, Sound Design
    • Sở thích: Chơi game, thể thao, đọc sách & chia sẻ kiến thức

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN

    0 Comments
    Inline Feedbacks
    View all comments