LỜI NÓI ĐẦU
Khi ra mắt sản phẩm, điều mà bất kì người thiết kế game nào cũng mong muốn, chính là việc giữ chân người chơi ở trong game càng lâu càng tốt.
Thật vậy, việc quảng bá game đến người dùng và cụ thể hóa nó bằng số lượt tải, thú thực, là một việc rất khó.
Nhưng cuộc sống vốn không phải màu hồng, có được người chơi đã khó, giữ chân được người chơi lại càng khó hơn gấp bội phần.
Sau một thời gian nếm trải những trái đắng đó, có lẽ tôi cũng nhận ra được vài điều mà chúng ta, hay nói đúng hơn là game của chúng ta cần đạt được để có khả năng giữ chân người chơi tốt.
1. Game không được crash.
Đừng hi vọng vào điều thần kì, rằng bạn sẽ giữ chân được người chơi nếu vừa vào game đã xảy ra lỗi crash.
Với hàng trăm nghìn game tốt đang có mặt trên thị trường, chẳng có lí do gì mà người chơi lại tốn thời gian cho game của bạn cả. Hãy đảm bảo game bạn ra mắt sau khi đã hạn chế đến mức tối thiểu việc này.
2. Người chơi cần biết họ sẽ phải làm gì (Tutorials)
Ở khá nhiều người chơi, họ rất không thích việc khi vừa vào game lần đầu, họ phải tốn từ 15 đến 20 phút với những hướng dẫn dành cho tân thủ. Nhưng sẽ còn tồi tệ hơn nếu bạn để họ mất định hướng trong thế giới mà bạn tạo ra.
Các phần hướng dẫn của bạn chỉ nên xuất hiện vào thời điểm người chơi cần nó nhất. Nên cố gắng thể hiện chúng bằng nhiều phương pháp khác nhau.
- Text hướng dẫn thông qua MC của game.
- Các tips, hint trong game.
- Các trigger hướng dẫn dựa trên hành vi của người chơi.
3. Có hệ thống thông báo (Notification)
Hệ thống notification có vai trò khá quan trọng trong việc kêu gọi người chơi quay lại, một kịch thông báo tốt sẽ khiến cho họ cảm nhận được game vẫn đang hoạt động và có những tín hiệu tới người chơi.
Nên đa dạng hóa các hình thức Notification để tránh gây nhàm chán
- Thông báo nhận phần thưởng, nhiệm vụ, các sự kiện liên quan đến thời gian ingame…
4. Có hệ thống phần thưởng hằng ngày (Daily Gifts)
Phần thưởng và nhiệm vụ hằng ngày thực sự là một yếu tố không thể thiếu đối với các game muốn có tỉ lệ giữ chân người chơi cao (Retention Rate). Đặc biệt là ở các mốc quan trọng như Ngày 7, Ngày 15, Ngày 30 (D7, D15, D30).
5. Chú ý đến thời lượng chơi (Game Session Length)
Game Session Length có thể hiểu là thời gian mà người chơi ở lại trong một phiên. Phiên ở đây tức là một lượt chơi.
Dota2 có Game Session trung bình khoảng 30 phút cho một trận đấu.
Gungun Online có Game Session trung bình khoảng 5 phút.
Các game của Voodoo hầu hết có Game Session dưới 1 phút.
Tùy vào người chơi và thể loại game mà bạn thiết kế, thời lượng mỗi phiên có thể có sự khác nhau. Nên khéo léo xử lí để người chơi không thấy hụt hẫng vì thời lượng quá ngắn hoặc nhàm chán nếu trận đấu quá dài.
Nếu có thể hãy thiết kế cơ chế để có thể có được khoảng chặn Min-Max cho mỗi Game Session.
Nếu bạn chưa biết Game Session là gì? Hãy tìm hiểu TẠI ĐÂY
6. Chú ý đến độ khó (Balancing)
Chúng ta chơi game đều vì niềm vui. Một game nếu không có tính cạnh tranh thì chẳng có gì gọi là vui cả.
Việc để game quá dễ hay quá khó đều trở nên mất đi tính cạnh tranh công bằng. Cân bằng game cuộc đấu giữa người chơi và người Thiết kế Game, nếu người chơi bỏ đi quá sớm, có thể xem như Game Designer đã thua cuộc trong trận đấu này.
7. Người chơi thấy được sự tiến bộ
Ở trên tôi đã đề cập đến Game Session, thiết kế cần đảm bảo người chơi nhận ra được sự tiến bộ (không nhiều thì ít) sau mỗi chu kì.
Một vài giải pháp có thể áp dụng
- Phần thưởng giá trị sau mỗi trận đấu. VD: Trang bị, mảnh ghép nhân vật mới…
- Có phương thức thể hiện sự tiến bộ của người chơi. VD: Thanh EXP, Thanh Lực chiến…
Thiết kế Achievement là một trong những cách hữu hiệu nhất để cho người chơi thấy được sự tiến bộ của mình.
Nếu bạn còn đang phân vân trong việc thiết kế thế nào ? Hãy tham khảo TẠI ĐÂY
8. Game có các bản cập nhật (Update)
Game là nơi mang lại nguồn lợi nhuận cho bạn. Hãy cố gắng thường xuyên đưa ra các bản cập nhật để người chơi cảm thấy “game vẫn sống”. Họ sẽ có nhiều lí do để quay lại với game của bạn hơn.
Đối với Game Offline:
- Cập nhật mới cho nội dung game(các nhân vật mới, vùng đất mới,…).
Đối với Game Online:
- Các phiên bản cập nhật đi kèm các nội dung mới và sự kiện có thưởng.
LỜI KẾT
Hiện tại, khả năng giữ chân người chơi luôn là một yếu tố tiên quyết trong việc đánh giá chất lượng của một tựa game. Đây là việc chưa bao giờ đơn giản, nếu nghiêm túc, hãy xem đây là một trận chiến giữa bạn và thị trường.
Hơn ai hết, người Thiết kế Game cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức để giành được kết quả tốt nhất trong trận đấu này.