Màn hình Loading rất có thể là thứ đầu tiên bạn bắt gặp khi chơi một game.
Đối với những người đã từng trải qua cái thời mà mình gọi là Ký Ức Chơi Game. Từ Console, PC hay cả trên các thiết bị di động. Việc nhìn vào màn hình và mòn mỏi chờ đợi “thanh tải trận” chậm chạp nhích từng chút một chắc cũng chẳng phải điều gì đó xa lạ.
Đối với mình và có thể là cả với nhiều người, đây là một trong những trải nghiệm khó chịu nhất khi chơi game. Đặc biệt là khi bạn chơi những tựa game mình yêu thích.
Trong nhiều năm làm việc ở vai trò một nhà Thiết kế Game. Khi thiết kế hay cố vấn cho bất cứ sản phẩm nào. Mình đều cố gắng tận dụng khoảng “thời gian chết” này để có thể truyền tải những thông điệp mà mình mong muốn đến với người chơi.
Chỉ với một chút tinh tế và sáng tạo, bạn có thể “lật ngược tình thế” để biến màn hình Loading thành một trong những nơi thú vị nhất tại sản phẩm của mình.
MÀN HÌNH LOADING LÀ GÌ?
Màn hình Loading là một dạng hiển thị của game đang ở trạng thái chờ. Nơi đây sẽ trình diễn những hình ảnh, diễn hoạt cơ bản trong khi đợi game “chuẩn bị” những tài nguyên (Game Resources) cần thiết để trước khi chuyển sang màn hình tiếp theo.
Màn hình Loading là một giải pháp hiệu hiệu để game có thể hoạt động với hiệu suất tốt bằng cách khởi tạo trước những tài nguyên cần thiết trong khu vực hoạt động tiếp theo của người chơi. Cùng với đó có thể là thao tác “hủy” những tài nguyên không cần thiết để tối ưu hóa.
Đối với các game vừa và nhỏ, chạy màn hình Loading khi người chơi vừa vào game là cách xử lí thường thấy. Nhưng đối với các tựa game có khối lượng tài nguyên lớn hơn, bạn có thể phân vùng tài nguyên để tải chúng ở nhiều màn hình Loading khác nhau. Tương ứng với từng phân vùng là nội dung game theo trải nghiệm của người chơi (Lazy Loading).
SỰ TIẾN HÓA CỦA CÁC MÀN HÌNH LOADING
Nếu xem quá trình phát triển các tựa game là một sự tiến hóa. Thì vào “thời kì đồ đá“, các màn hình loading thực sự tệ. Đôi khi chỉ là một dòng chữ đơn giản như: “Loading…”, “Please Wait…” may mắn lắm thì có được chút diễn hoạt ở dấu “…”. Nhưng chẳng có mấy ai để tâm và than phiền. Bởi vì họ chẳng có sự lựa chọn nào khác.
Nhưng khi các tựa game tiến hóa lên các hình thức cao cấp hơn. Kéo theo đó là sự đòi hỏi chăm chút vẻ bề ngoài cho các sản phẩm hơn.
Ở thời điểm hiện tại, rất khó để bạn có được sự thiện cảm từ phía người chơi nếu bạn sử dụng lại cách mà các “tổ nghề” của chúng ta sử dụng ở “thời kì đồ đá“.
Mình luôn quan niệm game xứng đáng được xem là bộ môn nghệ thuật thứ 8. Đứng ngay sau Điện Ảnh, nhưng Game có ưu thế hơn ở chỗ có thể đạt được sự tự do trong tương tác. Chứ không phải chứ giới hạn trải nghiệm ở các góc máy và khung hình như trong phim.
Bạn có thể áp dụng một vài cách sau đây để đặt vào sản phẩm của mình một chút “nghệ thuật”.
1. CUNG CẤP THÔNG TIN Ở MÀN HÌNH LOADING
Đây là một trong những cách xử lí phổ biến nhất. Thay vì để người chơi chờ đợi mòn mỏi ở khoảng “thời gian chết” này. Bạn có thể cung cấp cho người chơi những thông tin hữu ích ở nhiều dạng khác nhau:
- Tips, Hint, Tutorial.
- Dẫn truyện
- Ngoại truyện
- …
[Tìm hiểu thêm]. Thiết kế cốt truyện cho Game
Khoảng thời gian chờ ở màn hình Loading là thời điểm tuyệt vời để bạn truyền đạt các thông tin được diễn đạt bằng chữ (hoặc một vài hình ảnh đơn giản).
Trải nghiệm đọc trong khoảng thời gian này luôn tốt hơn so với thời điểm bạn đặt trực tiếp các hướng dẫn dạng này ở InGame. Bởi lẽ ở trạng thái này người chơi ít bị phân tâm hơn.
Bạn có thể đặt vào đó một vài Mẹo Vặt (Tips), Gợi Ý (Hints) và Hướng Dẫn Chơi (Tutorials). Hay các đoạn dẫn truyện và ngoại truyện cần thiết.
[Tìm hiểu thêm]. Những điều cần lưu ý khi thiết kế Tutorial
Lưu ý nhỏ
Vì đây là cách xử lí khá phổ biến nên chắc hẳn rằng đã có khá nhiều bạn áp dụng.
Nhưng liệu cách bạn đang làm có phải giải pháp tốt nhất?
Đối với những tựa game có khối lượng nội dung vừa và lớn. Số lượng nội dung bằng chữ mà bạn muốn truyền đạt trong một game là rất nhiều.
Với những nhà Thiết kế Game chưa có nhiều kinh nghiệm, cách xử lí thông thường là họ sẽ đặt tất cả những dữ liệu đấy vào một file và chạy ngẫu nhiên chúng mỗi khi có màn hình Loading.
Đừng xử lí “thô thiển” như vậy! Hãy tìm các giải pháp tinh tế hơn!
Ở các game có các màn hình Loading theo phân vùng các nội dung game. Hãy thực hiện thao tác phân vùng cả những thông tin bạn muốn chạy trong màn hình Loading. Và hiển thị đúng nội dung ở đúng phân vùng thích hợp. Thông tin sẽ được truyền đạt hiệu quả khi bạn thực hiện đúng nội dung và thời điểm.
Hiển thị hướng dẫn về Điểm Xếp Hạng khi người chơi ở trong màn hình Loading khi Xếp Hạng.
Hiện ngoại truyện về nhân vật A khi đang Loading nhiệm vụ của nhân vật A.
Hiển thị dẫn truyện khi bạn đang Loading để mở khóa một vùng đất mới.
Không chỉ là ký tự, nếu có thể. Hãy đồng nhất cả về mặt hình ảnh.
2. HÌNH ẢNH Ở MÀN HÌNH LOADING
Về mặt hiển thị, khi thực hiện một màn hình Loading. Khi đang “lười”, cách nhanh nhất bạn có thể làm là:
- Background
- Loading Bar
Trong đó, Loading Bar là thứ có vẻ “cử động” nhiều nhất. Nếu “siêng” hơn, bạn có thể đầu tư thêm một số diễn hoạt trên Background. Trong nhiều sản phẩm, đa số các hình ảnh này được tận dụng lại từ các Splash Screen (Splash Screen là màn hình khởi động, cũng được xem là một màn hình Loading).
Cách xử lí này sẽ mang đến sự nhàm chán nếu game bạn có phân vùng nội dung và cần sử dụng nhiều màn hình Loading như mình đã đề cập ở phần trước.
Loading trong game chia làm hai loại:
- Dài hạn – Đối với các xử lí khi cần chuyển phân vùng tài nguyên game. Thời gian thông thường là trên 1s.
- Ngắn hạn – Đối với các xử lí trong cùng một phân vùng. Thời gian thông thường là dưới 1s.
Đối với mỗi loại, bạn cần có cách xử lí phù hợp để đạt được sự đồng nhất về mặt hình ảnh.
a. Màn hình Loading dài hạn
Với vai trò là màn hình chờ để xử lí những phân vùng dữ liệu lớn. Thời gian chạy một màn hình Loading dạng này đủ lâu để user có thể nhận ra những đầu tư của bạn về mặt đồ họa. Bạn có thể đầu tư theo những cách sau:
- Background – Thay đổi hình nền tương ứng với từng chức năng.
Sử dụng hình nền Đấu Trường khi Loading vào Xếp Hạng.
Sử dụng hình nền Boss khi Loading và Boss Thế Giới.
Bạn đã biết Boss là gì chưa nhỉ? MÌNH CHƯA BIẾT
- Loading Bar – Nếu hình nền của bạn có chi phí sản xuất quá cao. Hãy đầu tư vào Loading Bar. Chi phí sẽ giảm đi rất nhiều và cũng đạt được một số hiệu quả tương đối.
Sử dụng loading bar Nham Thạch khi người chơi đang ở Campaign Núi Lửa.
Sử dụng loading bar Nước khi người chơi đang ở Campaign Biển.
b. Màn hình Loading ngắn hạn
Các diễn hoạt ở các Loading ngắn hạn cần diễn ra gọn gàng (dưới 1s). Các Loading này có thể đạt được sự đồng nhất về mặt hình ảnh khi bạn sử dụng cùng chủ đề đối với phân vùng dữ liệu người chơi đang trải nghiệm
Sử dụng Cổng Đá, khi người chơi đang ở Vùng Núi.
Sử dụng Cổng Băng khi người chơi đang ở Vùng Tuyết.
Lưu ý, để tránh cho người chơi cảm thấy “rối” khi tiếp cận. Hãy sử dụng cùng một dạng diễn hoạt, chỉ thay đổi về mặt thể hiện.
3. MÀN HÌNH LOADING CÓ TƯƠNG TÁC (PLAYABLE LOADING)
Đây là dạng màn hình Loading có chi phí thực hiện cao nhất. Nhưng cũng là dạng có thể mang đến cho người chơi trải nghiệm thú vị nhất.
Khi loading một số chức năng đặc thù (tải trận đấu chẳng hạn). Một màn hình Loading có tương tác là một giải pháp hiệu quả mà bạn có thể xem như một chức năng của game.
Nhấn liên tục vào một đối tượng để được tiền hoặc chơi một Minigame để có thể giành được lợi thế nhỏ trước khi vào trận là một trong những chức năng bạn có thể cân nhắc.
Trong game Tennis, người thắng minigame ở màn hình Loading sẽ được giao bóng trước.
Khi thực hiện, bạn cần chú ý để cân bằng dòng tiền trong game hiệu quả. Hãy tham khảo BÀI VIẾT NÀY
Dĩ nhiên, nếu đã chọn Playable Loading. Bạn sẽ cần một chút “bùa phép” để trải nghiệm của người chơi không bị ngắt quãng đột ngột khi màn hình tải trận chạy xong và chuyển thẳng vào Ingame trong khi người chơi vẫn đang thực hiện dở dang một tác vụ nào đó.
Thời gian minigame luôn cần dài hơn so với thời gian tải thực một chút đủ để người chơi trải nghiệm trọn vẹn chức năng của bạn.
Cách này cũng có thể áp dụng đối với những game có chế độ Match Matching khi đang trong trạng thái Search. Đây là cách xử lí rất đặc thù mà bạn có thể cân nhắc tùy thuộc vào ý đồ và nội dung game của bạn.
LỜI KẾT
Thị trường game càng ngày càng khắc nghiệt bởi những nhà phát triển game với các sản phẩm chất lượng. Trong một thế giới mà khá nhiều người có thể làm được và thậm chí là làm tốt những điều cơ bản. Thì điều giúp bạn tạo nên sự khác biệt chính là những tiểu tiết nhỏ nhặt nhất.
Hãy xử lí chúng thật tinh tế và nghệ thuật. Màn hình Loading trong sản phẩm của bạn là một trong những thứ bạn có thể chọn để bắt đầu thực hành từ hôm nay.