LỜI NÓI ĐẦU
Trong vận hành game, đối với người Thiết kế game, ngoài việc đào sâu, mở rộng và phát triển nội dung game, việc tạo nên những sự kiện vận hành là điều cũng quan trọng không kém.
Sau đây là các loại sự kiện bạn có thể tham khảo để cập nhật thêm cho game của mình. Nên nhớ, luôn đi đôi giữa việc vận hành sự kiện và phát triển nội dung để tránh các thất bại không đáng có trong việc vận hành.
[Tìm hiểu thêm] Hướng dẫn các cách thất bại trong vận hành game
1. Sự kiện nhận quà miễn phí
Định nghĩa
Sự kiện nhận quà miễn phí thông thường sẽ có 2 phương thức:
- Nhận quà hàng ngày
- Nhận quà khi sự kiện kết thúc – nếu đáp ứng đủ một điều kiện nào đó.
Mục đích thiết kế
- Sự kiện này được thiết kế với mục đích tăng tỉ lệ người chơi quay lại game, từ đó kéo theo các lợi ích khác.
Thiết kế các tham số đi kèm
- Thời gian hiệu lực (vĩnh viễn hay có thời gian bắt đầu và kết thúc, có phương thức refresh hay không).
- Hạn chế đi kèm (cấp độ người chơi, khung giờ,…).
- Nội dung thưởng (ID Item, số lượng,…).
Ví dụ
- Người chơi đăng nhập mỗi ngày vào game sẽ nhận được quà, giá trị quà tăng dần trong 1 tháng. Hết 1 tháng sẽ refresh lại list quà.
- Trong 30 ngày sự kiện, người chơi cấp độ 10 trở lên khi đăng nhập vào game đủ 15 ngày trở lên sẽ được nhận quà vào cuối sự kiện.
2. Sự kiện đổi quà
Định nghĩa
Người chơi có thể dùng một hoặc 1 nhóm vật phẩm để đổi ra một hoặc 1 nhóm vật phẩm có giá trị khác. Thông thường sẽ cần kèm theo một lượng tiền để thực hiện thao tác quy đổi.
Các vật phẩm dùng để quy đổi thường được thu thập trong một số chế độ chơi nhất định của game.
Mục đích thiết kế
- Kích thích người chơi chi tiêu trong game.
- Tăng lượng người chơi hoạt động game cùng 1 lúc – CCU (Concurrent Users).
[Tìm hiểu thêm] Định nghĩa về CCU trong vận hành game.
Thiết kế các tham số đi kèm
- Thời gian hiệu lực (vĩnh viễn hay có thời gian bắt đầu và kết thúc, có phương thức refresh hay không).
- Hạn chế đi kèm (cấp độ người chơi, khung giờ,…).
- Công thức đổi ở đầu vào và đầu ra. Khuyến nghị số lượng không nên vượt quá 3 vật phẩm ở mỗi đầu, vì dễ tạo nên sự phức tạp và phân mảnh cho sự kiện. Nếu thực sự cần nhiều vật phẩm hơn thì nên áp dụng các phương thức đổi trung gian.
Ví dụ
- Sự kiện Halloween, thu thập Bí Ngô và Nước Hương Liệu để đổi thành Bia Bí Ngô. Dùng Bia Bí Ngô để mua những vật phẩm có giá trị.
- Bí Ngô và Nước Hương Liệu rơi ngẫu nhiên khi tiêu diệt đối thủ ở những trận đấu PVP.
3. Tích lũy tiêu phí
Định nghĩa
Thiết kế này thông thường sẽ áp dụng cho người chơi chi tiều tiền thật hoặc đơn vị tiền tệ chính của game (kim cương chẳng hạn).
Hệ thống sẽ ghi nhận khi người chơi tiêu thụ kim cương, khi mức tiêu thụ đạt đến một mốc quy định sẽ nhận được phần quà có giá trị.
Mục đích thiết kế
- Kích thích người chơi chi tiêu.
- Ghi nhận thành tích và quá trình của người chơi.
- Thiết kế kết hợp để tăng hiệu lực của các sự kiện khác. VD: Giảm giá kim cương.
Nên áp dụng tips này
- Đừng bao giờ ghi nhận trực tiếp số kim cương người chơi tiêu thụ trong giao diện mà hãy quy đổi qua một đơn vị điểm nào đó để có thể kết hợp với các sự kiện khác.
- Hãy để ý rằng các siêu thị và hệ thống bán lẻ rất hay sử dụng chiêu này.
- Khi bạn ghi nhận trực tiếp sẽ gây nên cảm giác mất mát cho người chơi khi tiêu thụ kim cương, hãy khéo léo dùng một đơn vị quy đổi để tạo cho người chơi tâm lý mình vừa đạt được một thứ gì đó.
Thiết kế các tham số đi kèm
- Thời gian hiệu lực (vĩnh viễn hay có thời gian bắt đầu và kết thúc, có phương thức refresh hay không).
- Công thức đổi điểm.
- Quà ở các mức đạt được, đặc biệt lưu ý danh sách quà này phải thực sự có giá trị.
Ví dụ
- Thiết lập hệ thống VIP cho người chơi khi nạp tiền với các phần thưởng lớn.
Hay quá ạ. Mong anh có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục viết và cống hiến ạ.